Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư BT- đất vàng thất thoát, nhà đầu tư hưởng lợi khủng

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giao đất cho DN thực hiện hợp đồng BT đổi đất lấy hạ tầng thậm chí được thực hiện trước khi công trình hoàn thành, giá đất vàng dùng để thanh toán được định giá thấp… là những lỗ hổng mà kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra. Lỗ hổng đầu tư BT đang khiến nhà đầu tư hưởng lợi, trong khi ngân sách thất thoát nghìn tỷ.

Bà Trương Hải Yến- Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp- KTNN cho biết, sau khi kiểm toán tại 21 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 3.815 tỷ đồng, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán. Kết quả này chỉ ra, một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí nhằm chiếm dụng tiền ngân sách Nhà nước. Theo bà Yến, giá đất của các khu đất thanh toán cho các hợp đồng BT thường thấp hơn giá thị trường do không thông qua đấu giá. Việc giao đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở của việc xin-cho, gây thất thoát ngân sách.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng chỉ ra rằng, bản chất của BT là thay vì trả tiền từ túi người dân, BT là các dự án đầu tư công được thanh toán bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, giá những khu đất dùng để thanh toán được định giá thấp hơn thị trường trong khi đây đều là quỹ đất vàng. Điều này đang khiến Nhà nước “thiệt đơn thiệt kép” và dễ khiến xuất hiện lợi ích nhóm.

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Phạm Quang Tú- chuyên gia Oxfam Việt Nam nói thêm, việc thanh toán đất cho nhà đầu tư được thực hiện trước khi công trình hoàn thành, thậm chí còn trước khi dự án được bắt đầu. Giá đất tại thời điểm đó thường rất thấp, phần lớn còn là đất nông nghiệp. Sau khi có công trình, đất quanh khu vực này bỗng từ đất nông nghiệp thành đất đô thị với giá trị tăng cả chục, cả trăm lần. “Nhà đầu tư thậm chí chỉ cần bán đất nền thì đã có chênh lệch cực kỳ lớn”- ông Tú nói.

Giải pháp mà các đại biểu đưa ra để hạn chế những thất thoát khi phê duyệt và triển khai dự án BT là cần giới hạn phạm vi áp dụng đầu tư theo hình thức BT. Cụ thể, chỉ áp dụng tại các địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại các địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không dùng BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng, khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo các hình thức khác (BOT, BTO, BOO, BTL,…). Nếu đã triển khai dự án BT, không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng, định giá giá trị; công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát,…