KTĐT - Thống kê năm học 2007 – 2008 của Bộ giáo dục và Đào tạo tại các trường đại học hiện có 2.083 phòng thí nghiệm (bao gồm: phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm lớn, phòng thí nghiệm nhỏ, phòng thực hành, thực tập). Như vậy, bình quân mỗi trường đại học có khoảng 20 phòng thí nghiệm.
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đã đặt ra mục tiêu: Các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước, nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu từ các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2010 và 25% vào năm 2020.
Hoạt động khoa học và công nghệ là một trong hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của trường đại học, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đây cũng chính là vấn đề được đưa ra trong hội thảo bàn về giải pháp tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học diễn ra vào ngày 24/10/09.
Nguồn kinh phí cho các hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các nguồn thu từ hoạt động hợp tác quốc tế, các nguồn thu khác và doanh thu từ hoạt động triển khai, chuyển giao các kết quả nghiên cứu.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng nguồn kinh phí thu từ hoạt động khoa học và công nghệ (551,438 tỷ đồng), khối các trường đại học chiếm tỷ lệ cao nhất là 40,68%, tiếp đến là khối các trường nông – lâm – ngư – y chiếm 30,08%, khối các trường kỹ thuật công nghệ có tỷ lệ là 14,83%, khối các trường kinh tế chỉ chiếm 4,86%, còn các trường thuộc khối khác có tỷ lệ không đáng kể.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ địa phương - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Nếu đem so sánh với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước 2.136,8 tỷ đồng cho hoạt động khoa học và công nghệ thì tỷ lệ nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ cho các trường chiếm 25,81%. Đây là một tỷ lệ khá khiêm tốn so với tổng kinh phí”.
Ngoài ra, nguồn thu cũng chỉ tập trung cơ bản vào 3 khối trường: Kỹ thuật công nghệ, các đại học và nông – lâm – y.
“Vấn đề các trường dân lập và địa phương chưa nhận được kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động khoa học và công nghệ cũng là một vấn đề mà các nhà quản lý quan tâm. Việc tăng cường cơ hội cho các trường thuộc 2 khối này là rất cần thiết, góp phần tăng nguồn thu cho các trường”, ông Luật cho biết.
Thống kê năm học 2007 – 2008 của Bộ giáo dục và Đào tạo tại các trường đại học hiện có 2.083 phòng thí nghiệm (bao gồm: phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm lớn, phòng thí nghiệm nhỏ, phòng thực hành, thực tập). Như vậy, bình quân mỗi trường đại học có khoảng 20 phòng thí nghiệm.
Đây là số lượng ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, hơn nữa các phòng thí nghiệm này cũng chỉ tập trung ở một số trường đại học lớn./.