Đầu tư cho điếm canh còn hạn chế Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Đức Thịnh đã khẳng định như vậy khi đề cập tới hiện trạng điếm canh đê trên địa bàn TP hiện nay. Theo đó, toàn TP hiện có 366 điếm canh đê, tập trung trên các tuyến đê hữu Hồng (108 điếm), tả Đáy (68 điếm), tả Hồng (44 điếm), hữu Đuống (20 điếm)… Trong tổng số điếm canh nêu trên, hiện chỉ có 144 điếm đang được sử dụng, 222 điếm còn lại cần sửa chữa, xây mới. Trong đó, tuyến đê có số điếm canh xuống cấp nhiều nhất nằm dọc sông Đáy đoạn qua địa phận các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa...
Liên quan tới công tác đầu tư, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, TP đã đầu tư cải tạo, sửa chữa 43 điếm canh đê. Lý giải về con số có phần khá khiêm tốn nêu trên, ông Thịnh cho rằng, giai đoạn 2011 – 2015 là thời điểm nền kinh tế Hà Nội cũng như cả nước hết sức khó khăn. Thậm chí, trong năm 2014, lĩnh vực đê điều không được đầu tư để triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phòng chống thiên tai. Ông Thịnh thông tin thêm, đầu năm 2016, TP đã phê duyệt kinh phí khoảng 2,9 tỷ đồng phục vụ cải tạo, nâng cấp, xây mới 9 điếm canh đê. Tuy nhiên, con số này là rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về vốn cần để nâng cấp đồng bộ hạng mục điếm canh đê. Còn chủ quan, quy định chưa thống nhất Liên quan tới công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, đại diện Chi cục Đê điều & PCLB cho biết, việc chuẩn bị vật tư và hoạt động của đội tuần tra canh gác trên các điếm canh đê đã được nêu rất cụ thể tại Quy định số 50/QĐ-BCH ngày 22/4/2016 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội. Việc tổ chức triển khai là trách nhiệm của các địa phương có đê. Đại diện Chi cục Đê điều & PCLB thông tin thêm, TP hiện có 70 điểm tập kết vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai tại các trọng điểm. Hiện, các điểm tập kết này, vật tư, phương tiện đã được Chi cục chuẩn bị đầy đủ theo quy định. Nhằm nắm bắt kịp thời hiện trạng công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, từ tháng 6/2016, Ban Chỉ huy PCTT TP Hà Nội đã tổ chức 30 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện tại 30 quận, huyện, thị xã. Đánh giá sơ bộ tại các địa phương cho thấy, công tác này đều cơ bản đạt yêu cầu theo chỉ đạo của TP. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng vật tư, phương tiện tại các điếm canh đê là vấn đề cần được quan tâm. Thêm nữa, tâm lý chủ quan vẫn có ở một số địa phương. Nguyên nhân theo chia sẻ của một số cán bộ chuyên môn về đê điều, thủy lợi là bởi từ năm 2002 đến nay, Hà Nội chưa trải qua thêm bất cứ một đợt báo động lũ nào. Việc các hồ cắt lũ ở Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La vận hành hiệu quả giúp gần 15 năm qua, mực nước các sông chính qua địa bàn Hà Nội luôn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu là có khả năng gây báo động lũ. Trao đổi về chế độ trực tuần tra, canh gác tại các điếm canh đê, ông Phạm Quang Đông – Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều & PCLB) cho hay, vẫn có sự không thống nhất trong việc triển khai công tác này. Thực tế, nhiều địa phương thực hiện rất nghiêm túc chế độ trực theo Quyết định số 50/QĐ-BCH. Tuy nhiên, một số địa phương lại thực hiện trực canh điếm theo Thông tư số 01/2009/TT-BNN của Bộ NN&PTNT (tức là chỉ khi có báo động lũ mới bắt đầu huy động lực lượng tham gia xử lý sự cố đê điều). Trên thực tế, Thông tư của Bộ NN&PTNT có hiệu lực cao hơn văn bản của TP. Do đó, cũng không thể nói rằng các địa phương triển khai chế độ trực tuần tra, canh gác sai quy định. Đây là bất cập mà các bộ, ngành cần sớm nghiên cứu, có hướng điều chỉnh phù hợp với điều kiện, tình hình từng địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước.
Điếm canh đê xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức hiện đang xuống cấp. Ảnh: Trọng Tùng |