Đầu tư KHCN trong nông nghiệp chưa đúng chỗ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Song nhìn lại cách chi nguồn kinh phí ấy, không ít người bỗng giật mình bởi có tới...

Kinhtedothi - Song nhìn lại cách chi nguồn kinh phí ấy, không ít người bỗng giật mình bởi có tới hơn 30% được chi vào lương và hoạt động của bộ máy. Trong khi đó, DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế đầu tư cho lĩnh vực này. Đó là thông tin được nhiều đại biểu trao đổi thẳng thắn tại Hội thảo "KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" do Bộ NN&PTNT vừa phối hợp cùng Bộ KH&CN tổ chức.

Lương chiếm tới… 44% kinh phí!

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, do việc áp dụng KHCN trong nông nghiệp còn hạn chế nên nhiều loại nông sản như ngô, đậu tương, bông… có khả năng cạnh tranh thấp do năng suất, chất lượng hạn chế, tiêu tốn nhiều vật tư đội giá thành lên cao. Bên cạnh đó, nhiều giống mới chậm được đưa vào sản xuất (hiện nay, ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có khoảng 30 - 40% giống lúa xác nhận được đưa vào sử dụng). Đặc biệt, sự tham gia của DN trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN còn rất hạn chế. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có hơn 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 93% là DN nhỏ và vừa, mức đầu tư cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng doanh thu.

 
Trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. 	Ảnh: Quang Thiện
Trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
Điều đáng nói là nguồn kinh phí - yếu tố quan trọng hàng đầu phục vụ cho nghiên cứu KHCN được đánh giá là đầu tư chưa đúng chỗ. Trong giai đoạn 2008 - 2013, tổng kinh phí Nhà nước chi cho KHCN cấp về Bộ NN&PTNT xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 13% tổng kinh phí sự nghiệp KHCN của cả nước. Tuy nhiên, tiền chi cho lương và hoạt động của bộ máy đã chiếm hơn 1.200 tỷ đồng (khoảng 32%). Riêng năm 2014, kinh phí sự nghiệp khoa học là hơn 726 tỷ đồng, trong đó chi cho lương và hoạt động của bộ máy là 320,9 tỷ đồng, chiếm tới 44%! 

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

KHCN được xác định là một trong những khâu đột phá phục vụ tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong đó, DN là đối tượng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Thế nhưng, nhiều DN bày tỏ, cơ chế hiện nay vẫn còn "trói", chưa thực sự tạo điều kiện cho các DN trong lĩnh vực này. Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình chia sẻ, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN còn phân tán và thiếu đồng bộ. Thêm vào đó, cơ chế tài chính thanh toán các đề tài, dự án khoa học rất phức tạp. "Đã có rất nhiều nghiên cứu, đề tài khoa học không được triển khai vào cuộc sống là do thiếu mắt xích DN, trong khi nhiều cơ sở nghiên cứu của Nhà nước lại chậm đổi mới và chưa gắn kết được với DN để chuyển giao sản phẩm cho xã hội" - ông Báo chia sẻ.

Hiện nay, đầu tư ngoài ngân sách cho nông nghiệp mới chỉ chiếm 28%. Việc xã hội hóa nghiên cứu KHCN là việc làm rất cần thiết và cũng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là những nghiên cứu của các DN hướng vào tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm mới phù hợp với thế mạnh của mỗi DN cũng như mỗi vùng sinh thái. Như vậy sẽ khai thác được hiệu quả nguồn lực xã hội và các đề tài nghiên cứu sẽ có hiệu quả hơn. Muốn làm được điều đó, Nhà nước cần phải "cởi trói" hơn nữa về mặt cơ chế, chính sách cho các DN. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng chỉ ra rằng, trong 3 năm qua, ngành KH&CN đã tiến hành tái cơ cấu quản lý lĩnh vực này, từ đầu tư đến tài chính và xây dựng đội ngũ cán bộ. Thế nhưng, trách nhiệm không chỉ của riêng Nhà nước mà là của toàn xã hội. 

Trong đó, DN là đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu, là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ và biến công nghệ thành sản phẩm cho xã hội, nên vai trò của DN trong nghiên cứu, chuyển giao KHCN rất quan trọng. Để phát huy được nguồn lực đó, cần phải đổi mới chính sách về KHCN, thu hút và khuyến khích DN chủ động tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN. Đồng thời, liên kết chặt chẽ hơn giữa các viện, trường, trung tâm khuyến nông với các DN, đảm bảo nghiên cứu KHCN bắt đầu từ thị trường.
 
"Dù chúng ta còn nhiều yếu kém, nhưng lực lượng nghiên cứu KHCN không chỉ là các giáo sư, tiến sĩ mà còn có cả sự sáng tạo của từng người dân. Vấn đề đặt ra hiện nay là rà soát lại xem việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp còn vướng mắc gì về cơ chế thì Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và Chính phủ tìm hướng tháo gỡ. Trong đó, cần khuyến khích DN mở viện nghiên cứu tư nhân, hợp tác với các viện nghiên cứu của Nhà nước." - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần