KTĐT - Theo bà Hương, đối với hệ ĐH, SV phải hoàn thành 160 tín chỉ, tương đương với 16 triệu đồng tiền học phí. Thời gian học tối đa được kéo dài 8 năm. Còn để tốt nghiệp hệ CĐ, người học sẽ phải hoàn thành 150 tín chỉ, tương đương 15 triệu với thời gian học được kéo dài 6 năm... Trường thu là 100.000 đồng/tín chỉ đối với hệ CĐ; 105.000 đồng/ tín chỉ đối với hệ ĐH.
Nhà trường sẽ kiểm tra khoản thu tiền Tiếng Anh tăng cường, “chưa đúng ở đâu sẽ giải quyết đến đấy”. Những bức xúc về điều kiện thực hành không như trường cam kết được lý giải "do sinh viên chưa hiểu". Nhà trường đã tiến hành một khảo sát với kết quả hơn 80% SV tốt nghiệp được nhận vào làm ngay tại các xí nghiệp, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đề nghị được xem bản khảo sát thì bị từ chối với lý do đó là “bí mật mang tính chất nội bộ”.
Sau khi có phản ánh "SV ĐH Công nghiệp Hà Nội choáng vì học phí, phụ phí" - đại diện nhà trường gồm Phó Hiệu trưởng Hà Xuân Quang và Phó trưởng Phòng tổ chức cán bộ Nguyễn Thu Hương đã có buổi làm việc với PV.
Đầu tư không đủ, người học phải đóng
Lý giải hàng loạt những thắc mắc của sinh viên (SV) về khoản học phí "vượt rào" cùng hàng loạt các khoản phụ phí - cả Phó Hiệu trưởng Hà Xuân Quang và Phó trưởng Phòng tổ chức cán bộ Nguyễn Thu Hương đều cho rằng: khoản kinh phí nhà nước đầu tư cho trường năm 2009 là 13 tỷ đồng, không đủ cho chi phí đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo bà Hương, các khoản trợ cấp xã hội, thực hiện chế độ chính sách và học bổng, miễn giảm học phí đã là 8 tỷ đồng. Phần còn lại chỉ đủ chia lương giảng viên (theo các cấp bậc nhà nước quy định) trong 2 tháng là hết.
Ông Quang tính toán: lấy 13 tỷ chia cho quy mô SV trên 50.000 các hệ đào tạo từ trung học, công nhân chất lượng cao, trung cấp nghề, CĐ nghề, CĐ và ĐH thì chi phí toàn bộ các hoạt động đào tạo cho 1 SV thực tế là rất ít, khó đảm bảo chất lượng. Do vậy, để duy trì hoạt động đào tạo, người học phải chia sẻ một phần.
Tuy nhiên, phần "chia sẻ" ở đây khiến SV và phụ huynh "choáng": Ngoài kinh phí đào tạo SV đóng 1 lần/ học kỳ (5 tháng) là 2.625.000 đồng. Như vậy, trung bình trường thu 400.000 - 450.000đ/tháng học phí. Trong khi đó, khung học phí Nhà nước quy định cho các trường công là không vượt 240.000 đồng/ tháng.
Ngoài ra, SV còn phải nộp các khoản: sổ tay HSSV: 20.000 đồng, tiền khám sức khỏe: 30.000 đồng, tiền tăng cường tài liệu học tập và thư viện (kỳ 1): 75.000 đồng, tiền bảo hiểm y tế 1 năm: 148.000, tiền bảo hiểm thân thể toàn khóa học: 82.000 đồng, tiền trang phục bảo vệ lao động: 190.000 đồng, tiền nhập học: 30.000 đồng.
Lập luận về việc thu học phí vượt khung, ông Quang nói: "Từ năm 2008, trường chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Nếu xác định học phí nằm trong khung theo một niên chế thì rất khó. Vì hiện nay mức học phí tuỳ thuộc vào SV đăng ký học nhiều hay ít học phần, từ đó từng học kỳ sẽ có mức đóng học phí khác nhau".
Theo bà Hương, đối với hệ ĐH, SV phải hoàn thành 160 tín chỉ, tương đương với 16 triệu đồng tiền học phí. Thời gian học tối đa được kéo dài 8 năm. Còn để tốt nghiệp hệ CĐ, người học sẽ phải hoàn thành 150 tín chỉ, tương đương 15 triệu với thời gian học được kéo dài 6 năm... Trường thu là 100.000 đồng/tín chỉ đối với hệ CĐ; 105.000 đồng/ tín chỉ đối với hệ ĐH.
Vì vậy, có thể có những SV muốn học nhanh để có bằng, thời gian học ngắn lại thì mỗi kì lại phải đóng nhiều hơn... nên rất khó để so sánh học phí của nhà trường có vượt khung hay không.
Hơn nữa, vì Bộ GD-ĐT chưa có quy định mức học phí đào tạo theo tín chỉ.
"Là trường thuộc khối trường kỹ thuật, khối lượng chương trình đào tạo nghiêng về thực hành nhiều, hơn nên nếu học phí thấp thì không thể đào tạo chất lượng" - ông Quang nói.
Bà Hương cho biết thêm, nhà trường đã tiến hành một khảo sát, và kết quả cho thấy: hơn 80% SV nhà trường sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm ngay tại các xí nghiệp, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được xem bản khảo sát thì bà Hương từ chối với lý do đó là “bí mật mang tính chất nội bộ”.
"Máy cũ có giá trị mãi mãi"
Không chỉ băn khoăn về việc trường thu học phí vượt khung, rất nhiều SV năm 2, năm 3...của trường cũng bức xúc vì điều kiện thực hành không như trường cam kết. Cụ thể, SV các khoa Kế toán, Quản trị kinh doanh phải đóng khoản tiền 700.000 đồng tiền tăng cường thực hành và công nghệ cao, nhưng trong thực tế chỉ được học lý thuyết mà không động đến máy móc.
Bà Hương cho rằng: Có thể các bạn ấy chưa hiểu, chứ không phải nhất thiết thực hành máy tính thì mới là thực hành. Riêng khoa Kế toán rất tốn kém ở đoạn chia nhỏ thành nhiều lớp, nhiều nhóm, hội thảo riêng, rồi chia thành nhiều nhóm ra bên ngoài khảo sát, lấy số liệu cho các em thực tế tại các Doanh nghiệp (DN)...
Nhưng khi hỏi trong một kỳ học, SV được đưa đến các DN để khảo sát, lấy số liệu bao nhiêu lần thì bà Hương nói, cái đó tùy vào sự sắp xếp của khoa và bà cũng chỉ nắm được đến mức độ đó để thông tin.
Nhiều phản ánh của SV khoa Cơ khí (cơ sở Tây Tựu) cho rằng, đã nộp tiền tăng cường nhưng vẫn phải thực hành trên máy cũ, cách đây hơn 20 năm.
Trưởng Khoa Cơ khí (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) Nguyễn Xuân Chung dẫn chúng tôi đi thực tế khu thực hành của khoa tại cơ sở Tây Tựu cũng xác nhận, tại khu thực hành có trên 100 máy tiện, doa, mài...phần lớn đều có tuổi đời trên 20 năm. Số máy mới được trang bị trong hai năm 1995,1996 rất ít.
"Khoa cũng có nhận được một số phản ánh từ SV cho rằng máy cũ, nhưng chúng tôi giải thích: để đầu tư một chiếc máy mới thì thầy và trò phải cố gắng trong thời gian vài năm..." - ông Chung nói. Do vậy, tại xưởng thực hành có một số máy trong tình trạng "trước mỗi lần sử dụng phải sửa mới dùng được".
Còn bà Hương vẫn bảo lưu quan điểm: "về cơ khí không phải cứ máy mới mới hiện đại, vấn đề là cách dạy của giáo viên. Mặt khác, có thể với SV là cũ nhưng với các cơ sở dạy nghề thì có những máy cũ có giá trị mãi mãi". Việc đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường đến thời điểm này đã là cố gắng hết sức.
Sẽ hoàn trả khoản thu không hợp lí
Với các SV đã bước vào học Tiếng Anh chuyên ngành nhưng vẫn phải nộp thêm 350.000 đồng tiền tiếng Anh tăng cường, trong khi số buổi không tăng, bà Hương cho biết nhà trường sẽ kiểm tra lại khoản thu này, “chưa đúng ở đâu sẽ giải quyết đến đấy”.
Bà Hương cũng thừa nhận, đáng nhẽ nhà trường phải đóng khoản thu 175 nghìn cho các khoản vệ sinh an ninh, nước uống, tủ thuốc y tế... mà SV các lớp hệ Cao đẳng Quản trị Kinh doanh đang phải đóng cho cơ sở thuê đặt tại Mỹ Đình. Bà cam kết nhà trường sẽ trả lại khoản thu này cho SV.
Bên cạnh đó, Trường ĐH CN cũng sẽ kiểm tra lại việc Trung tâm Tư vấn Phát triển Nhân lực Doanh nghiệp Mỹ Đình – không phải là đơn vị trực thuộc trường ĐH Công nghiệp nhưng lại đứng ra thu các khoản tiền, kể cả tiền học phí của SV.
Hiện đội ngũ giảng viên có: 1381 người, trong đó giảng viên cơ hữu khoảng 1000, còn lại là thỉnh giảng. Trình độ gồm: 605 thạc sĩ; 200 tiến sĩ; PGS- GS:11, còn lại là đại học