Quy mô
Việc biên soạn BKTT Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu từ tháng 3/1999, Hội đồng Quốc gia chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam đã trình lên Thủ tướng Chính phủ bản Kế hoạch biên soạn bộ BKTT.
Và thực tế, từ tháng 10/2003, Hội đồng biên soạn đã triển khai các bước chuẩn bị để "lên khuôn" dự án. Tuy nhiên, dự án đã tạm dừng lại theo Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 24/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ: "Viện Khoa học xã hội Việt Nam (KHXHVN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất phương án tổ chức công tác biên soạn, xuất bản các loại Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ". Viện KHXNVN đã "tiếp quản" dự án và Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (thuộc Viện KHXHVN) đã được thành lập vào tháng 8/2008.
Hội thảo “Xây dựng Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”.
Từ đó đến nay, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã phác thảo được Đề án biên soạn BKTT Việt Nam. PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam khẳng định, bộ BKTT sẽ là công trình quy mô, tổng hợp, phản ánh những thành tựu, những tri thức cơ bản của Việt Nam và thế giới.
Nên rút ngắn thời gian biên soạn
Trong cuộc bàn tròn lấy ý kiến của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để hoàn thiện Đề án biên soạn BKTT Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Đề án cần phải được làm rõ hơn một số nội dung; bổ sung, chỉnh sửa một số vấn đề cho phù hợp để đảm bảo tiến độ và sự thành công.
Nhiều nhà khoa học đồng tình với đề xuất dùng phương thức biên soạn phân quyền đối với bộ BKTT, giúp rút ngắn thời gian biên soạn. Hơn nữa, như GS.TSKH Trịnh Xuân Hoài, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học, để việc biên soạn được tiến hành thuận lợi, đúng quy cách, cần phải có một bộ công cụ, phần mềm quản lý quá trình biên soạn.
Đồng thời, có thể hình thành bản thảo điện tử để việc góp ý, chỉnh sửa thuận lợi, nhanh chóng. Đặc biệt, GS Hoài thẳng thắn đưa ra góp ý, cần phải rút ngắn thời gian biên soạn, nếu không bộ sách sẽ có nguy cơ bị tụt hậu. Không ít nhà khoa học đồng tình với quan điểm này, cho rằng, thời gian biên soạn BKTT chỉ nên từ 5 đến 7 năm. Có nghĩa là, bộ BKTT nên hoàn thành trong năm 2020.
Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), số lượng 2.000 nhà khoa học tham gia biên soạn bộ BKTT vẫn là ít. Hơn nữa, kinh phí 190 tỷ đồng cũng không đủ để hoàn thành một công trình tầm cỡ như thế. Viện KHXH nên xem xét để nâng đề án thành công trình khoa học cấp Quốc gia với kinh phí thấp nhất là 500 tỷ đồng. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện KHXHVN khẳng định, để hoàn thành bộ BKTT như mục tiêu đề ra thì "kinh phí thôi chưa đủ, mà rất cần sự đầu tư xứng tầm cả về trí, lực của giới khoa học cả nước".
Vì vậy, những ý kiến đóng góp tâm huyết và chân thành cho việc biên soạn BKTT này, cộng với kinh nghiệm của những người đã tổ chức thực hiện, hoạch định, cũng như tham chiếu kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp xây dựng đề án biên soạn BKTT hoàn chỉnh. Q
Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam xác định sẽ có 73 ngành khoa học, công nghệ và văn hóa nghệ thuật được biên soạn trong 36 cuốn sách. Dự kiến, sẽ có khoảng 2.000 nhà khoa học trên cả nước tham gia biên soạn bộ BKTT, thực hiện trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2024, với kinh phí 190 tỷ đồng.