Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư trực tuyến - biến tướng của lừa đảo đa cấp

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh đúng vào tâm lý đầu tư ít, lãi suất cao và hiệu ứng đám đông của người dân, tội phạm công nghệ cao liên tục thay đổi phương thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền của hàng ngàn người dân trong thời gian qua.

Hiện tại, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đang tiếp tục phối hợp với nhiều địa phương trong cả nước để làm rõ hành vi lừa đảo của Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1978, trú tại tỉnh Đồng Nai) cùng đồng bọn. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là thành lập công ty, thuê người lập trang web huy động vốn của người dân với lời quảng bá cần mở rộng kinh doanh nhiều lĩnh vực như bất động sản, mua bán vàng, sửa chữa ô tô… Sau đó, yêu cầu người có nhu cầu góp vốn đầu tư phải mua mã pin ID (mã nhận dạng cá nhân) với mức tiền hơn 10 triệu đồng sẽ được hưởng tổng lợi nhuận gần 40 triệu đồng/90 ngày. Đồng thời, sẽ được hưởng tiền hoa hồng nếu giới thiệu thêm người tham gia… Thực chất, Phương và đồng bọn không kinh doanh bất cứ ngành nghề gì và cũng chẳng góp đồng vốn nào. Tuy nhiên, bằng những chiêu trò quảng bá trên trang web đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 140 tỷ đồng của hàng ngàn nạn nhân. Tại Hà Nội, bước đầu cơ quan công an xác minh có 129 nạn nhân nộp tiền vào hệ thống của Phương, trong đó người đóng nhiều nhất là 158 mã ID (hơn 160 triệu đồng).
 Ảnh minh họa
Trong năm 2016 vừa qua, C50 đã bắt giữ Trần Văn Hạnh (SN 1988, trú tại tỉnh Phú Thọ) cùng đồng bọn. Các đối tượng cũng lập trang web, quảng cáo, mời chào người tham gia với chiêu trò sàn “đầu tư tài chính”. Tham gia đầu tư, người chơi nộp tiền mua mã ID, đặt lệnh “cho” 1 tài khoản khác theo yêu cầu, khi giao dịch thành công họ sẽ tới lượt đăng ký "nhận” tiền. Trên lý thuyết, đến lượt khách hàng được “nhận” thì họ sẽ được người “cho” tiếp theo trả cả gốc và lãi theo quy ước của người điều hành trang web. Tuy nhiên, thực tế khi số tiền đã lớn, các đối tượng đánh sập trang web xóa toàn bộ dữ liệu của hàng ngàn khách hàng tham gia và bỏ trốn. Tính đến thời điểm dừng hoạt động, Hạnh cùng đồng bọn đã chiếm dụng của các nạn nhân gần 3 tỷ đồng...
Theo C50, đây là loại hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng. Thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng dùng nhiều chiêu trò nhằm lôi kéo người dân thiếu hiểu biết tin tưởng tham gia. Đó là quảng bá những hình ảnh thể hiện mức độ hoành tráng; mời đông đảo người dân tham gia hội thảo, hội nghị tổng kết, vinh danh khách hàng tại những khách sạn sang trọng. Thậm chí, các đối tượng cố gắng mời hoặc cắt ghép hình ảnh các cán bộ lãnh đạo cao cấp đến dự để quảng bá trên trang web chúng điều hành, lấy lòng tin của nhà đầu tư… Kết quả điều tra từ nhiều vụ lừa đảo dạng này cho thấy, các đối tượng phạm tội không kinh doanh hoặc kinh doanh những mặt hàng sinh lời không cao nên không thể tạo ra lợi nhuận như cam kết. Thời gian đầu, các đối tượng thường trả lãi theo nguyên tắc “người tham gia sau trả cho người tham gia trước”. Do vậy, khi không còn khả năng thanh toán hoặc đã gom được số tiền lớn, dạng tội phạm này sẽ cho sập trang web và bỏ trốn. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ số tiền đang đầu tư của các nạn nhân gần như không có khả năng lấy lại.