Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, chính sách quản lý đất đai và thực tế sử dụng đất vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần tập trung khắc phục.Quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản đối với hộ gia đình, cá nhân (thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ) chưa khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn; có trường hợp còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá chính sách quản lý đất đai vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần tập trung khắc phục. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quy hoạch chưa rõ, kế hoạch sử dụng đất ở nhiều nơi còn chưa phù hợp. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn.Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thu hồi đất của các hộ gia đình không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Tình trạng sử dụng đất không hiệu quả vẫn còn nhiều.Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển ngành nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao hơn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người nông dân.Từ mục tiêu tổng quát này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra những quan điểm lớn. Theo đó, tích tụ, tập trung ruộng đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung. Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối tránh hình thức, phong trào. “Nếu tích tụ, tập trung ruộng đất một cách hình thức, phong trào, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực của chủ thể thì chắc chắn sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng nói.Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị cho rằng, tích tụ, tập trung ruộng đất phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hoá, tập quán… Tích tụ tập trung đất đai phải bảo đảm theo nhiều hình thức phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất. Đồng thời, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là lợi ích của người dân.Tích tụ và tập trung ruộng đất phải lấy doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác, chủ trang trại làm động lực. Tuy nhiên, người dân, hộ gia đình, cá nhân là thành viên quyết định thành công của quá trình tính tụ, tập trung đất đai, do đó phải được tham gia một cách bình đẳng trong tập trung, tích tụ đất đai.Theo Phó Thủ tướng, tích tụ, tập trung ruộng đất phải đi đôi với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nói chung, phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn nhằm mục đích tạo nhiều việc làm mới, từ đó giảm lao động trong nông nghiệp. Về những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đất đai, tập trung vào các vấn đề như giao đất lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…Xây dựng chế tài bảo đảm quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặt ra yêu cầu khi tổ chức lại các hình thức sản xuất nông nghiệp, không coi nhẹ quy mô kinh tế hộ gia đình, các chủ trang trại, các tổ hợp tác xã, doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sự thay đổi quan trọng, tuy nhiên vai trò của những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nói./.