|
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà |
Xin ông cho biết Quy hoạch bến bãi đỗ xe tĩnh của Hà Nội được xây dựng trên cơ sở nào, các bến xe khách được bố trí theo nguyên tắc nào?- Quá trình nghiên cứu lập Đồ án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được các cơ quan chuyên môn TP xem xét, phân tích, đánh giá tổng thể. Đặc biệt là dựa trên định hướng tại: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồ án được nghiên cứu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch có liên quan. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn TP; đồng thời phục vụ có hiệu quả việc triển khai thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” đã được HĐND TP Hà Nội thông qua.
Theo Đồ án, các bến xe khách liên tỉnh được bố trí theo nguyên tắc nằm trên các trục hướng tâm, cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng. Cụ thể là Vành đai 4; theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại.
"Bộ GTVT không khuyến nghị Hà Nội giữ lại Bến xe Nước Ngầm để sử dụng lâu dài, vĩnh viễn mà chỉ trong giai đoạn quá độ khi chưa xây dựng hoàn thiện được các bến xe khách liên tỉnh như nêu trong Quy hoạch ở khu vực Vành đai 4. Bộ góp ý là để Hà Nội cân nhắc, xem xét trong việc tổ chức giao thông hiện nay sao cho phù hợp." - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Nguyễn Xuân Thủy |
Bộ GTVT vừa góp ý về Quy hoạch bến bãi đỗ xe tĩnh của Hà Nội (tại Văn bản số 12222/BGTVT - VT), trong đó cho rằng, nên duy trì một số bến xe khách liên tỉnh lâu dài như Mỹ Đình, Nước Ngầm. Xin ông cho biết quan điểm của Sở GTVT về khuyến nghị này?- Đối với các bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, hiện tại có vị trí nằm sát đường Vành đai 3 là khu vực lõi của đô thị trung tâm. Về lâu dài, việc tiếp tục duy trì các bến xe khách này phục vụ cho vận tải hành khách liên tỉnh sẽ không còn hợp lý. Căn cứ vào các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như tình hình thực tế, các bến này sẽ từng bước được thay thế bằng các bến xe khách liên tỉnh theo quy hoạch, được đầu tư tại khu vực đường Vành đai 4. Về lâu dài, bến Mỹ Đình và Nước Ngầm được quy hoạch thành đầu mối giao thông công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
|
Hoạt động tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Phạm Hùng |
Còn về Bến xe Yên Sở, với góp ý của Bộ GTVT, Sở có ý kiến như thế nào, thưa ông?- Trong giai đoạn hiện nay, khi chưa đầu tư hoàn thành Bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - Vành đai 4), việc đầu tư Bến xe khách Yên Sở là rất cần thiết nhằm giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực phía Nam TP hiện đang rất quá tải. Quy hoạch Bến xe khách Yên Sở đã được xem xét tính toán, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo hài hòa các yếu tố tác động nhằm đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài và đã được xác định trong Đồ án “Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg ngày 31/3/2016, là bến xe khách liên tỉnh trung hạn.
Hơn nữa, việc quy hoạch, đầu tư Bến xe khách Yên Sở cũng đã được UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể các nội dung. Trong đó có nêu rõ việc quy hoạch, đầu tư bến xe khách này thể hiện tính nhất quán, thống nhất và đồng bộ với Đồ án quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các đồ án quy hoạch có liên quan.
Về thực chất, việc Bến xe Yên Sở nằm gần nút giao Vành đai 3 - Pháp Vân, liệu có đe dọa gây ùn tắc cho khu vực này?- Vị trí Bến xe khách Yên Sở, theo quy hoạch, cách nút giao Vành đai 3 - Pháp Vân khoảng 2,2km không phải là quá gần. Khi đưa Bến xe khách Yên Sở vào khai thác sẽ điều chuyển một phần các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại Bến xe Giáp Bát về bến xe khách này. Khi đó sẽ có tác động tích cực giảm tải cho nút giao thông Vành đai 3 - Pháp Vân, do có một lượng xe khách liên tỉnh đáng kể chỉ dừng lại ở Bến xe Yên Sở, ngoài nút giao cửa ngõ phía Nam, mà không đi sâu vào Bến xe Giáp Bát như hiện tại.
Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi đưa vào khai thác sử dụng Bến xe Yên Sở có hiệu quả, hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu tổng thể phương án tổ chức giao thông khu vực, nhằm kết nối Bến xe khách Yên Sở với hệ thống hạ tầng giao thông chung đảm bảo không gây UTGT cho khu vực.
Xin cảm ơn ông!