Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư xây dựng trạm bơm: Chất lượng quyết định hiệu quả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trạm bơm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chống úng, chống hạn.

KTĐT - Trong hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trạm bơm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chống úng, chống hạn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc, nhiều trạm bơm đã xuống cấp hoặc hư hỏng nặng, không đáp ứng được nhu cầu. Làm thế nào để phát huy hiệu quả của các công trình trạm bơm trong tương lai? Đó là câu hỏi đang được các nhà khoa học, nhà quản lý đặt ra trong thời điểm này.

Nhiều trạm bơm bị… vô hiệu tạm thời

Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng sản xuất lúa lớn của cả nước với 4.964 trạm bơm (tương đương 13.305 máy bơm) lớn nhỏ phục vụ hàng chục nghìn héc ta đất canh tác và nước sinh hoạt… Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi, do nhiều trạm bơm được đầu tư xây dựng từ lâu, máy móc hư hỏng lâu ngày chưa được cải tạo, nâng cấp nên chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, một số trạm bơm mới triển khai xây dựng nhưng cũng vận hành kém do khâu khảo sát chưa tốt, thiết kế chưa phù hợp với thực tế... Ngay tại khu vực Hà Nội, nhiều công trình thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hà Nam, Bắc Đuống, sông Nhuệ… cũng đã xuống cấp, rất khó khăn trong phát huy năng lực công trình.

Theo Thạc sỹ Trần Sĩ Vinh, nguyên Cục phó Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tại vùng đồng bằng sông Hồng đang tồn tại tới ba thế hệ trạm bơm, phần lớn được xây dựng lâu và già cỗi. Thế hệ thứ nhất được xây dựng từ năm 1930 như trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây). Mặc dù được thay thế bằng nhiều loại máy bơm khác từ năm 2000 song đến nay hiệu suất của công trình này chưa thật sự cao như thiết kế. Thế hệ thứ hai được đầu tư từ những năm 1975 - 1980, máy bơm chủ yếu sản xuất trong nước, chất lượng không cao, hiệu suất thấp, nhanh hư hỏng. Những năm gần đây, một số trạm bơm lớn được xây dựng từ các nguồn vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ, nhìn chung thiết kế tốt, máy bơm được nhập ngoại nên vận hành tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm bơm mới đầu tư xây dựng chưa bảo đảm vận hành như Trạm bơm Yên Lệnh bị xói lở đoạn cửa kênh xả nối tiếp với sông Hồng; Trạm bơm Nhân Hòa có sai sót trong xử lý đấp đập quanh nhà trạm… Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, "nạn" khai thác cát bừa bãi trên các triền sông và sự tắc trách của chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý nguồn nước khiến lòng sông bị tụt xuống khá sâu. Hệ quả, vụ lúa Đông Xuân những năm qua, nhiều trạm bơm dọc các tuyến sông không thể vận hành lấy nước, buộc phải lắp đặt các trạm bơm dã chiến phục vụ sản xuất.

Phải chất lượng và đồng bộ

Tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư xây các trạm bơm thuộc Dự án ADB 5" do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi đồng tổ chức ngày 23/2 vừa qua, hầu hết các nhà khoa học, nhà quản lý đều cho rằng, để phát huy được hiệu quả của các công trình trạm bơm, vấn đề cốt lõi là việc đầu tư phải đồng bộ và tính đến chất lượng lâu dài.

Theo ông Trần Sĩ Vinh, nguyên Cục phó Cục Thủy lợi thì trước khi tính đến việc hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu bằng động lực vùng đồng bằng sông Hồng, chúng ta phải rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi cho các hệ thống theo hướng hiện đại hóa công trình. Theo đó, quy hoạch phải khắc phục được các nhược điểm của các quy hoạch cũ và tính hướng phát triển trong tương lai. Một trong những yếu tố quan trọng là quan tâm đến việc duy tu, nạo vét các bể lắng, cửa khẩu, bể hút, tại các trạm bơm phải có hệ thống vớt rác… Những nơi đặt máy, nguồn nước phải dồi dào, an toàn trong phòng chống lũ. Tiến sĩ Phạm Văn Thu, Viện trưởng Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi cho rằng, một trạm bơm chỉ nên đặt từ 4-6 máy bơm sẽ đơn giản trong quản lý vận hành, hiệu suất sử dụng sẽ cao hơn. Theo ông Thu, máy bơm giữ vai trò chính trong quản lý vận hành khai thác. Việc lựa chọn máy bơm đúng chủng loại, có tính năng phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả công tác vận hành khai thác, tuổi thọ máy móc cao mà còn giảm được chi phí đầu tư.

Để hạn chế tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các công trình được đầu tư không đồng bộ, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết, về lâu dài sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát lại hệ thống trạm bơm. Trong đầu tư xây dựng sẽ chỉ đạo tính toán từ chi tiết nhỏ nhất đến phụ kiện máy bơm. Ông Thắng cũng nhất trí rằng, để các trạm bơm hoạt động hiệu quả, ngoài yếu tố vận hành, người sử dụng quyết định tuổi thọ của máy bơm thì chất lượng công trình và máy bơm sẽ quyết định hiệu quả của đồng vốn đầu tư.