Đầu tư xây dựng và quản lý chợ: Phải khảo sát kỹ nhu cầu

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa có kết luận chính thức đợt giám sát về tình hình quản lý, hoạt động một số chợ trên địa bàn TP.

Còn nhiều tồn tại
Theo kết quả giám sát, trong những năm qua, chính quyền các cấp cơ bản đã quan tâm hơn đến công tác quản lý chợ trên địa bàn, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Hoạt động kinh doanh tại chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, phần lớn các chợ đã xuống cấp, có chợ xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC), cá biệt có 7 chợ không đáp ứng bất kỳ một tiêu chí nào về PCCC. Công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ các hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo ATTP tính đến thời điểm giám sát còn thấp, có nơi chỉ đạt 30 - 40%... Còn tới 144/545 chợ (chiếm 26,4%) chưa phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, một số chợ đã phê duyệt thì việc bố trí không đúng theo phương án (như chợ Đầu mối phía Nam, chợ Láng Hạ…).
Giám sát cũng cho thấy, hiệu quả hoạt động của một số chợ trên địa bàn còn hạn chế, nhiều chợ hoạt động không hết công suất, cá biệt có chợ chỉ đạt 30 - 40%. Một số chợ hạng 1 sau chuyển đổi chưa phát huy được giá trị truyền thống của chợ đã có, chưa tương xứng với quy mô và lợi thế vị trí đất. Một số chợ còn chưa ký hợp đồng thuê đất, nợ tiền thuê đất. Sở KH&ĐT, Sở Công Thương chưa khảo sát đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả hoạt động các chợ trên địa bàn, đặc biệt chợ đầu mối, chợ hạng 1; chưa nhân rộng được các mô hình chuyển đổi thành công.
Nên nhân rộng cách làm hay
Cùng với những nguyên nhân khách quan, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng chỉ ra cả những nguyên nhân chủ quan như: Một số sở, ngành, quận huyện chưa làm hết trách nhiệm của đơn vị tham mưu, thiếu quyết liệt trong đôn đốc, chưa sâu sát cơ sở, chưa kịp thời báo cáo TP có biện pháp xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn… Sau chuyển đổi mô hình quản lý chợ, trách nhiệm của nhà đầu tư chưa cao, chậm thống nhất phương án đầu tư, xây dựng dự án chợ…
Từ thực tế giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị TP tiếp tục chỉ đạo rà soát quy định về phân cấp quản lý nhà nước về chợ theo hướng phân cấp quản lý triệt để, toàn diện trên nguyên tắc cấp nào thực hiện thuận lợi, hiệu quả thì giao cho cấp đó thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát điều chỉnh mạng lưới phát triển chợ trên địa bàn; không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại như mô hình vừa qua; sớm triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cho đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức hợp tác công - tư (PPP)… Việc sáp nhập các ban quản lý chợ cần quan tâm đến sự phù hợp với mô hình chuyển đổi quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị Sở Công Thương cần làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chợ hạng 1 theo phân cấp; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành. Nên rút kinh nghiệm triển khai việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, lựa chọn mô hình hợp lý, nhân rộng cách làm hay như tại quận Long Biên. Các quận, huyện cũng cần xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ phù hợp đặc thù của từng chợ. Đôn đốc đơn vị quản lý chợ thực hiện đầu tư, cải tạo chợ theo phương án chuyển đổi; kiến nghị xử lý thu hồi đối với các đơn vị chậm triển khai đã được đôn đốc nhiều lần. Điều tra, khảo sát kỹ nhu cầu để quyết định hình thức đầu tư, quy mô đầu tư chợ đảm bảo hiệu quả…
Còn tới 86/454 chợ chưa triển khai lập, chưa phê duyệt mức thu phí chợ; 276/454 chợ (61,2%) không được UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo căn cứ thu phí chợ…