Đầu Xuân về làng vật Thụy Lôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ven sông Cà Lồ, làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) được biết đến với lễ...

Kinhtedothi - Nằm ven sông Cà Lồ, làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) được biết đến với lễ hội đền Sái có tục “rước vua giả” hết sức độc đáo. Tuy nhiên ít người biết nơi đây còn là “cái nôi” của bộ môn vật truyền thống với lịch sử hàng trăm năm.

“Đến hẹn lại lên”, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân nơi làng quê bình yên ven sông Cà Lồ này lại nô nức tổ chức hội làng. Hàng trăm năm qua, vật cổ truyền đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo người dân thôn Thụy Lôi nói riêng, xã Thụy Lâm nói chung gìn giữ, phát huy. Về làng Thụy Lôi những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội nơi đây, mà còn được nghe kể câu chuyện “ông tổ” của nghề vật cổ truyền.
3 trong số 10 sắc phong còn lưu giữ được tại Đền thờ Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu
3 trong số 10 sắc phong còn lưu giữ được tại Đền thờ Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu
Ông Lê Quang Bản (68 tuổi) - cụ từ Đền thờ Tiến sĩ (TS) Lê Tuấn Mậu, một trong số những người con dòng họ Lê vừa lật giở từng trang sách cũ, vừa kể: TS Lê Tuấn Mậu là người làng Nhội (nay là làng Thụy Lôi), đỗ TS vào đời vua cuối cùng triều Hậu Lê. Ông làm quan ngót 40 năm, từng được giao chức Đô Ngự Sử, sau thăng chức dần đến Lễ Bộ Thượng Thư. Ông là người trung thành với chính triều đến chết chứ không chịu quy hàng quân giặc. Vốn nổi tiếng giỏi võ nghệ, đặc biệt là môn vật, sau khi rời triều chính về quê, ông đã truyền dạy cho bà con trong làng bộ môn vật để rèn luyện ý chí, sức khỏe. Đến nay, câu chuyện “tận trung với nước” và công đức của ông vẫn còn lưu danh sử sách, được người dân truyền miệng qua nhiều thế hệ. Sau khi ông qua đời, người dân xã Thụy Lâm và nhiều vùng quê xứ Kinh Bắc đã dựng đền thờ, hàng năm tổ chức hội vật để tưởng nhớ vị “thành hoàng làng”.

Ông Phạm Minh Huỳnh - Trưởng ban Văn hóa xã Thụy Lâm cho biết, đến nay, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, tại đền thờ TS Lê Tuấn Mậu ở thôn Thụy Lôi vẫn còn lưu giữ 10 sắc phong do các triều đình phong kiến Việt Nam phong tặng, ghi nhớ công đức của ông. Để gìn giữ những giá trị to lớn về lịch sử - văn hóa của khu đền thờ, năm 2009, TP Hà Nội đã đầu tư nâng cấp, biến nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng.

Sau thời gian chiến tranh kéo dài, vật cổ truyền ít được quan tâm. Tại xã Thụy Lâm cũng như nhiều vùng quê xứ Kinh Bắc, người dân vẫn duy trì bộ môn vật trong các lễ hội truyền thống, nhưng hoạt động có phần tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều người con đất Thụy Lôi đã cố gắng để làm sống lại bộ môn này. Trong đó, không thể không kể tới ông Trần Văn Cấp, năm nay bước sang tuổi 87. Năm 2000, ông là một trong số những người đã tích cực vận động bà con các thôn, xóm ở xã Thụy Lâm, đặc biệt là các “lão đô” đứng lên thành lập, phát triển Câu lạc bộ (CLB) vật làng Thụy Lôi. Đó cũng là giai đoạn vật Thụy Lôi “làm mưa làm gió” tại các sới vật đất Hà thành, cũng như xứ Kinh Bắc xưa.

Đến nay, CLB vật làng Thụy Lôi vẫn được duy trì với 22 thành viên chính thức thuộc đủ các nhóm tuổi. Những năm qua, CLB đã “sản sinh” ra nhiều vận động viên cho đoàn thể thao Hà Nội. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Hạnh, trên địa bàn huyện hiện có 8 CLB vật cổ truyền. Hàng năm, cứ mỗi dịp hè về, huyện bố trí nguồn lực, hỗ trợ các CLB tổ chức các lớp đào tạo, tìm kiếm những vận động viên có tiềm năng. Những “đô vật” tài năng sẽ được giới thiệu tham gia tập huấn, thi đấu cho đội tuyển TP, quốc gia. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần