Vậy mà, việc dạy - học bơi trong các nhà trường, dù hô hào nhiều vẫn chưa hiệu quả.
Báo động
Người ta đã thống kê một số nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, trong đó việc trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi, không có kỹ năng cứu đuối. Bên cạnh đó là sự lơi là, chủ quan của bố mẹ, để trẻ tự do vui chơi gần những nơi nguy hiểm; rồi môi trường sống quanh trẻ không an toàn như ao quanh nhà, hố nước sâu sau khi đào lấy đất, hố ở công trình xây dựng không có rào chắn, nắp đậy, biển cảnh báo...
Điển hình là đuối nước đau lòng xảy ra tại khu vực sông Hồng qua xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội cách đây chưa lâu, khiến 2 học sinh (HS) bị dòng nước cuốn trôi. Gần hơn là cuối tháng 3/2016, 3 HS lớp 7A2 trường THCS Xuân Đường (Đồng Nai) cũng tử vong do đuối nước. Gần đây nhất là chuyện xảy ra ngày 15/4, người lớn không khỏi xót xa khi biết tin 9 trẻ chết đuối cùng một lúc đều là HS lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi). Những câu chuyện buồn này cho thấy, tình trạng trẻ đuối nước, không có kỹ năng cứu đuối đang ở mức báo động đỏ. Không phải ngẫu nhiên mà số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH "nhận định", Việt Nam có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao gấp 10 các nước phát triển.
Dạy bơi trong trường gặp khó
Mặc dù từ năm 2010 – 2011, ngành giáo dục đã có hẳn một đề án phổ cập bơi và bản thân các nhà trường cũng quan tâm, đầu tư cho việc dạy bơi trong nhà trường. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại nhiều trường của Hà Nội, việc dạy bơi gặp nhiều khó khăn, nên hiệu quả còn cầm chừng.
Bà Phạm Thị Tâm – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) cho biết, việc dạy bơi cho HS cần thiết, nhưng khó thực hiện bởi không gian các trường quá nhỏ hẹp, không có quỹ đất để xây bể bơi. “Trường đặc biệt quan tâm đến thể chất cho HS, 2 năm qua trường tận dụng nhà thể chất xây bể bơi nhân tạo phục vụ việc dạy bơi cho HS. Tuy nhiên, việc dạy bơi chỉ duy trì được ở 3 tháng hè, không thể duy trì đều trong suốt năm học, vì nhà thể chất còn phải phục vụ cho HS nhiều hoạt động khác" - bà Tâm giãi bày. Được biết, thời điểm này, trường Lê Lợi đang lên kế hoạch để trình phòng GD&ĐT quận, cho phép trường phối hợp với UBND phường thực hiện dạy bơi cho HS trong dịp hè. Nhưng bà Tâm cũng thành thật: "Dù dạy bơi cho HS là vô cùng quan trọng, nhưng rất ít trường làm. Bởi hầu hết các trường công không có bể bơi, phải thuê bể bơi, thuê thầy dạy, y tế, quản lý các con sao cho an toàn, kinh phí thế nào… rất phiền toái và cực kỳ khó khăn, do vậy các trường không muốn làm”. Ở Hà Nội có lẽ mới có huyện Thanh Trì sử dụng nguồn ngân sách xã hội hóa xây dựng được bể bơi cự ly 25m ở 15 trường tiểu học.
Trao đổi xung quanh vấn đề dạy bơi trong trường học, ông Nguyễn Hữu Bính - chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất, Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, Hà Nội đã triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong trường học. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, mô hình này chưa thể triển khai đại trà vì khó khăn về cơ sở vật chất. “Hiện nay, bể bơi công cộng ở Hà Nội còn rất thiếu, bể bơi trong trường học càng hiếm. Ở TP, rất ít trường có điều kiện về diện tích để xây bể bơi. Chưa kể bể bơi trong các trường chỉ hoạt động vài tháng trong một năm học vì thời tiết không phù hợp" – ông Bính cho biết. Hơn thế, mùa hè - thời điểm thích hợp nhất để dạy bơi thì HS lại đang nghỉ hè, việc dạy đương nhiên bị ngắt quãng. Ngay cả Vụ trưởng Vụ công tác học sinh – sinh viên, Bộ GD&ĐT Ngũ Duy Anh cũng thừa nhận, việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường hầu như chưa triển khai được. Bởi thế, việc triển khai công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền nhận thức giáo dục hành vi.
Thực tế, một số trường ngoài công lập, trường quốc tế đã xây bể bơi trong khuôn viên trường, nhưng con số này còn rất khiêm tốn. Trường phổ thông Pascal là một điển hình với dự kiến mỗi tuần thời khóa biểu có một tiết học bơi bắt buộc. Tuy nhiên, suốt từ tháng 11/2015 đến nay, bể chưa thể hoạt động vì nhiệt độ chưa phù hợp cho HS tiểu học học bơi. Đó là chưa kể việc quản lý HS để đảm bảo an toàn trong các giờ học bơi còn khiến trường e ngại. Vậy nên, câu trả lời cho việc trang bị kỹ năng bơi và chống đuối nước vẫn nằm ở gia đình là chủ yếu.
Dạy bơi cho học sinh tiểu học tại Hà Nội.
|
Ngày 21/4, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT triển khai một số nội dung giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Trong đó, yêu cầu tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa; đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường, cụm trường với quy mô phù hợp và huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ việc dạy và học bơi cho HS. Đặc biệt khuyến cáo HS không tắm, bơi ở sông, suối, thác ghềnh hiểm trở và có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Các sở GD&ĐT phối hợp với ngành thể dục thể thao khai thác, sử dụng có hiệu quả các bể bơi cũng như có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho HS được học bơi. (Hồng Thủy) |