Cần nhưng không… đủ
Những thông tin về trẻ em chết đuối, tỷ lệ trẻ chết do đuối nước được thống kê chỉ đứng sau tai nạn giao thông… càng cho thấy sự cần thiết của việc dạy bơi và những kỹ năng phòng tránh, cấp cứu đuối nước cho trẻ. Tuy nhiên, để đưa môn bơi vào dạy ở các trường học, vào cả ngoại thành lẫn nội thành, rất khó thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội): "Chỉ dịp nghỉ hè, nhà trường mới thông báo tới phụ huynh cho con học bơi, vào năm học, nhà trường chưa nghĩ tới việc dạy bơi cho HS. Bởi, đưa HS đến bể bơi (thuê bể bơi cách trường 2 - 3km) không phải đơn giản, đội ngũ giáo viên dạy bơi không có, việc quản HS thế nào cho an toàn… rất khó để thực hiện" - bà Lan chia sẻ. Cũng ở quận Đống Đa, trường Tiểu học Trung Phụng năm học vừa qua chỉ có khoảng 250 HS, nhưng lãnh đạo trường khẳng định: Dù ít HS nhưng trường cũng chưa thể triển khai việc dạy bơi cho trẻ.
Một tiết học bơi của học sinh trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Duy Khánh
Bởi, chỉ đơn cử như chuyện sắp xếp thời gian nào để dạy bơi cho HS cũng là vấn đề. Muốn HS đi bơi, phải dành riêng 1 buổi sáng hoặc chiều, không thể dạy gói gọn trong 1 tiết học. Ngoài ra, phí thuê xe đưa đón 250 HS mỗi tuần, chi phí mua vé bơi, thuê thầy dạy bơi, quần áo bơi… khá tốn kém, trong khi trường không có đủ kinh phí và không phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng góp. Đa số các trường đều nhận thấy sự cần thiết của việc này, nhưng điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được.
Đếm trên đầu ngón tay
Theo kế hoạch, từ năm 2010 - 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối 3 và 5. Chương trình này yêu cầu, bể bơi được đầu tư xây dựng tại trường học, hoặc cụm trường tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước…
Thế nhưng, đã đi được nửa chặng đường "kế hoạch", cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những trường thực hiện được việc này.Riêng tại Hà Nội, những trường tiểu học tổ chức dạy bơi cho HS chủ yếu là trường dân lập, trường quốc tế. Ví như Tiểu học Dream House đã ký kết với khách sạn Công đoàn Quảng Bá sử dụng sân tennis và bể bơi của khách sạn (ngay cạnh trường) để dạy bơi cho HS có nhu cầu vào dịp nghỉ hè.
Hay như trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm đã lồng ghép việc học bơi vào chương trình chính khóa của khối 5 được hơn 1 năm nay. Còn hiện tại, mới chỉ có HS 4 trường công lập của huyện Thanh Trì may mắn được học bơi nhờ Dự án thí điểm của TP xây dựng 16 bể bơi cho huyện để phục vụ dạy bơi cho HS. Ông Đào Tân Lý, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Trì cho biết: Huyện có 15 xã, 1 thị trấn, từ 1/6/2012, huyện đã khánh thành và đưa vào sử dụng 4 bể bơi phục vụ cho HS tiểu học, trong 2 năm tới sẽ xây tiếp 12 bể còn lại. "4 xã có bể bơi phục vụ HS các trường Tiểu học Đại Áng, Vạn Phúc, Tam Hiệp và THCS Liên Minh.
Sau khi đưa vào sử dụng dịp hè vừa qua, tính đến hết tháng 8, huyện đã tổng kết có khoảng gần 800 HS biết bơi".Mục tiêu Bộ đặt ra, đến năm 2015 cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai được mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Nhưng rõ ràng, nhìn ở giữa chặng đường đến đích 2015 chưa thấy có mấy trường "phổ cập" bơi cho trẻ. Yếu tố đầu tiên để triển khai dạy bơi cho HS là phải có bể bơi.
Nhưng, ngay ở Hà Nội số trường học có bể bơi đã hiếm, chưa nói đến các tỉnh, thành còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Vậy là sau hơn 2 năm đưa ra, việc dạy bơi cho HS vẫn "dậm chân tại chỗ"... Từ thực tế trên cho thấy, để đưa được môn bơi vào trường học là quá khó. Nghĩa là việc phòng chống đuối nước cho trẻ vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu.