Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy học bằng ngoại ngữ: Không dễ!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 2/2015, các cơ sở giáo dục có thể dạy và học bằng tiếng nước ngoài xuất phát từ nhu cầu của xã hội và sự tự nguyện của người học.

Quy định mới này của Thủ tướng Chính phủ là sự khuyến khích người dạy và học, song để thực hiện được chủ trương này không đơn giản.

Chỉ có trường top đầu

Quy định mới được ban hành đã khiến lãnh đạo nhiều trường đại học (ĐH) phấn khởi, bởi có cơ sở để yên tâm đào tạo các môn học bằng ngoại ngữ. Không những thế, đây còn là sự khuyến khích các trường dạy và học các môn bằng tiếng nước ngoài, nhất là khi việc giảng dạy ngoại ngữ ở phổ thông và ĐH còn bất cập.
Thủ tướng Chính phủ quy định, những chương trình giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận chất lượng có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài.

Thực tế, việc này đã được một số trường ĐH top đầu thực hiện từ nhiều năm qua như Học viện Quan hệ quốc tế, Học viện Ngân hàng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghệ Bưu chính Viễn thông… Tuy nhiên, các trường mới chỉ áp dụng ở những chương trình tiên tiến, chất lượng cao, liên kết với nước ngoài với tỷ lệ khoảng hơn 30% tổng số môn học.

Điển hình là ĐH Bách khoa Hà Nội – trường đi đầu trong dạy học bằng ngoại ngữ nhiều năm qua. PGS Hoàng Minh Sơn – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi triển khai dạy bằng tiếng Anh cho 5 chương trình tiên tiến là Điện - Điện tử, Cơ - Điện tử, Kỹ thuật vi sinh, Khoa học kỹ thuật vật liệu, Công nghệ thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, có nhiều chương trình cao học như Công nghệ thông tin, Khoa học vật liệu, Điều khiển tự động hóa. Tất cả chương trình được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, trừ môn Lý luận chính trị, Giáo dục thể chất, Quốc phòng và an ninh. Đối với các chương trình liên kết với nước ngoài, trường đưa một thời lượng nhất định giảng dạy bằng tiếng Anh, Nhật, Pháp”.

Theo ông Sơn, để đào tạo bằng ngoại ngữ thì phải có 2 yếu tố là giảng viên (GV) và sinh viên (SV). GV phải giỏi về chuyên môn cũng như năng lực, khả năng dạy được bằng ngoại ngữ.

 
Giờ học của sinh viên ngành Kinh tế đầu tư, Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Văn Việt
Giờ học của sinh viên ngành Kinh tế đầu tư, Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Văn Việt
SV phải có vốn tiếng Anh tương đương bậc B1 để có thể nghe - nói - đọc - viết mới hiểu được bài. Hiện nay, cả GV và SV đều không đáp ứng được các yêu cầu bởi việc dạy và học ngoại ngữ chưa chuẩn. Đây cũng là quan điểm của TS Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng. Hơn thế, ông Dũng còn khẳng định, giảng dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ không dễ, kể cả những người được đi đào tạo ở nước ngoài. GV có thể giao tiếp, đọc, dịch dễ dàng, nhưng khó nhất là kỹ năng giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong khi đó, yêu cầu giảng dạy phải thật chuẩn, nếu không người học sẽ lĩnh hội kiến thức sai lệch.

Chuẩn bị từng bước     

Giảng dạy bằng ngoại ngữ trong các chương trình đại trà là mục tiêu đang hướng đến của một số trường top đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ bởi trình độ ngoại ngữ “đầu vào” của SV chưa đạt yêu cầu. Hầu hết SV theo học các chương trình tiên tiến, chất lượng cao đều phải học thêm tiếng Anh trong năm đầu tiên mới có thể nghe giảng được.

Chia sẻ về mục tiêu đào tạo bằng ngoại ngữ của Học viện Ngân hàng, TS Trần Mạnh Dũng cho biết, đã có sự chuẩn bị từ lâu. Giám đốc Học viện quy định, GV nam dưới 35 tuổi, nữ dưới 30 tuổi phải đi đào tạo ở nước ngoài hoặc theo học các chương trình liên kết với nước ngoài ở Việt Nam. Quy định này nhằm đảm bảo trong thời gian không xa, đội ngũ cán bộ, GV của trường có thể dạy học bằng tiếng Anh cho tất cả các chương trình ĐH đại trà.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ dần xem xét thực hiện thêm một số chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, áp dụng cho các môn chuyên ngành ở những năm học cuối. Là bởi, nhà trường phải dạy tiếng Anh bổ sung cho SV, cũng như cho các em có thời gian trau dồi vốn tiếng Anh mới có thể tiếp nhận kiến thức. “Mục đích của học bằng ngoại ngữ giúp SV gắn diễn đạt chuyên môn, đọc được tài liệu nguyên gốc, giáo trình và bài giảng bằng tiếng Anh. Khi tốt nghiệp, các em rất thuận lợi làm việc trong môi trường chuyên môn đòi hỏi bằng tiếng Anh. Ngoài giao tiếp thông thường, các em còn có tiếng Anh để diễn đạt một cách chính xác nhất” - PGS Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Dù khó khăn, song quyết định dạy và học bằng ngoại ngữ của Thủ tướng Chính phủ thực sự hợp lý trong tiến trình hội nhập thế giới. Ngoài cải thiện trình độ ngoại ngữ của SV, đây còn là con đường thuận lợi để các em ra nước ngoài du học và làm việc. Chủ trương này cũng là đòn bẩy để thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đạt hiệu quả cao cũng như giúp cho ngành giáo dục xem xét việc tạo môi trường học ngoại ngữ để nâng cao trình độ.