Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội

Đẩy mạnh CCHC, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư còn 24 giờ

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 28/12, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ trong các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2022. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng.

 Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu  tại hội nghị. Ảnh AT
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh AT

Hiện nay, TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất hơn 1.300ha. Trong đó, có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; KCN hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 với diện tích khoảng 77ha đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được 2 dự án.

Năm 2022 thu hút đầu tư 359,5 triệu USD

Các KCN đã thu hút được 711 dự án đang hoạt động, trong đó, có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 166.000 lao động với thu nhập ổn định. Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN.

Để tiếp tục tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư vào KCN trên địa bàn TP, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP, ngay từ đầu năm, Ban quản lý đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, tập trung rà soát quy hoạch và đề xuất phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2022 , Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thu hút đầu tư 359,5 triệu USD. Ảnh BQL.
Năm 2022 , Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thu hút đầu tư 359,5 triệu USD. Ảnh BQL.

Theo phương án trình UBND TP, giai đoạn 2021-2030, TP xác định mục tiêu quy hoạch và phát triển 24 Khu công nghiệp, với tổng diện tích là 5.831,8 ha, cụ thể: 9 KCN đang hoạt động, với tổng diện tích 1.670,6ha (trong đó đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch KCN Hà Nội - Đài Tư với diện tích 40ha); 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 663,4ha, gồm: KCN Quang Minh II, diện tích 160ha; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, diện tích 200,6ha; KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha.

3 KCN phù hợp quy hoạch, đang xin chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 586,8ha gồm: KCN Đông Anh, diện tích 300ha; KCN Bắc Thường Tín, diện tích 112ha; KCN Phụng Hiệp, diện tích 174,8ha. 04 Khu công nghiệp phù hợp quy hoạch, tiếp tục được bổ sung vào phương án phát triển hệ thống KCN giai đoạn 2021-2030, với tổng diện tích 1.604ha gồm: KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ; diện tích 389ha; KCN Khu Cháy, huyện Ứng Hòa, diện tích 550ha; KCN Tiến Thắng, huyện Mê Linh, diện tích 450ha; KCN Bắc Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, diện tích 215ha.

5 Khu công nghiệp mới đề xuất bổ sung vào phương án phát triển hệ thống Khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với tổng diện tích 1.307ha, cụ thể: KCN Thanh Văn - Tân Ước, huyện Thanh Oai, diện tích 350ha; KCN Xuân Dương, huyện Thanh Oai, diện tích 150ha; KCN Ba Vì, huyện Ba Vì, diện tích 310ha; KCN Phù Đổng, huyện Gia Lâm, diện tích 410ha; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín (phần mở rộng, diện tích 87ha).

Công tác thu hút đầu tư năm 2022 của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đạt 359,5 triệu USD quy đổi, tăng 20% so với năm 2021; trong đó đã thu hút được 10 dự án mới vốn đăng ký 8,5 triệu USD và 611 tỷ đồng, 18 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 307,7 triệu USD và 385 tỷ đồng (trong năm, có 05 doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện đầu tư mới và mở rộng với vốn đầu tư lớn là: Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (tăng vốn 150 triệu USD); Công ty TNHH Shu-nyun Hà Nội Việt Nam (tăng vốn 90,5 triệu USD); Công ty TNHH Nidec San-kyo (tăng vốn 32,5 triệu USD); Công ty cổ phần trang thiết bị y tế TMC Việt Nam (đầu tư dự án 395 tỷ đồng); Công ty cổ phần HTMP (tăng vốn 160 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khen thưởng các doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện đầu tư mới và mở rộng với vốn đầu tư lớn trong năm 2022. Ảnh AT
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khen thưởng các doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện đầu tư mới và mở rộng với vốn đầu tư lớn trong năm 2022. Ảnh AT

Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 706 dự án đang hoạt động, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD và 404 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.600 tỷ đồng. Năm 2022, các doanh nghiệp tại 10 KCX có doanh thu năm 2022 ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 300 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu năm 2022 ước đạt trên 4,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Long- Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: “Mục tiêu năm 2023 của chúng tôi là thu hút đầu tư đạt 400 triệu USD tăng 20% so với năm 2022. Phấn đấu doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Hoàn thành thủ tục đầu tư và tham mưu quyết định thành lập mới từ 02 đến 03 KCN; tạo mặt bằng sạch thu hút dự án đầu tư vào các KCN. Hoàn thành phương án phát triển hệ thống các KCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Thành phố sẽ tiếp tục phân cấp và ủy quyền nhiều hơn nữa cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để giảm các thủ tục trung gian. Ảnh TT
Thành phố sẽ tiếp tục phân cấp và ủy quyền nhiều hơn nữa cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để giảm các thủ tục trung gian. Ảnh TT

Phát biểu tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: “Năm 2022, bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều điểm sáng, nổi bật là: Hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021; tăng trưởng GRDP Thành phố năm 2022 đạt 8,89% - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Các doanh nghiệp Hà Nội đã đóng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Thủ đô”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh Thành phố sẽ tiếp tục phân cấp và ủy quyền nhiều hơn nữa cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để giảm các thủ tục trung gian, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng theo quy định để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần