Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh đầu tư để xứng với tiềm năng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với tiềm năng lớn cả về phát triển kinh tế lẫn du lịch. Thế nhưng, mặc dù đã được định hướng từ nhiều năm nay, việc phát triển du lịch tại các làng nghề vẫn tự phát và thiếu quy hoạch.

Nhiều hạn chế

Làng nghề đan quạt và lồng chim xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai nổi tiếng với nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp được xuất đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên hiện nay, lượng khách du lịch đến thăm còn khá thưa thớt.

Ông Trịnh Văn Bình, chủ một cơ sở sản xuất lồng chim tại thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa cho biết: "Thỉnh thoảng mới có đoàn khách Tây đến thăm, khách du lịch trong nước hầu như không đáng kể".  Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) có trên 400 hộ làm nghề, mỗi năm sản xuất ra 2,5 - 3 triệu mét khối lụa. Trong làng hiện có trên 150 quầy bán sản phẩm lụa, bước đầu thu hút được khách du lịch nhưng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đẩy mạnh đầu tư để xứng với tiềm năng - Ảnh 1

Khách du lịch tại làng lụa Vạn Phúc.Ảnh: Internet
 
Bà Nguyễn Hải Yên, Trưởng phòng Điều hành một công ty lữ hành đóng tại quận Thanh Xuân chia sẻ, nhiều đoàn khách lớn khi tới tham quan Vạn Phúc gặp rất nhiều khó khăn về chỗ đậu xe, nơi đón tiếp. Đặc biệt, du khách nước ngoài rất thích xem cách dệt tay truyền thống, nhưng làng nghề hiện chưa quy hoạch được khu vực sản xuất.Toàn TP hiện có hơn 1.000 làng nghề, trong đó có 272 làng nghề truyền thống.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, phát triển du lịch làng nghề vẫn chưa xứng với tiềm năng. Hoạt động tổ chức du lịch làng nghề chưa chuyên nghiệp và thiếu quy hoạch. Các dịch vụ tại làng nghề chưa phát triển dẫn đến thời gian ở lại làng nghề và chi tiêu của du khách còn rất thấp.

Quy hoạch đồng bộ

Phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi cần thiết để nâng cao đời sống cho người dân. Để phát huy thế mạnh này, các địa phương có làng nghề phải quy hoạch đồng bộ, thống nhất.

Trong thời gian tới, cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, bến bãi, nhà truyền thống và cơ sở dịch vụ để phục vụ khách nghỉ chân tại làng... Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, việc phát triển du lịch làng nghề còn tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Do đó, để phát triển du lịch làng nghề, cần sự chung tay của chính quyền địa phương và các ngành, đơn vị liên quan.

Đặc biệt, các làng nghề phải luôn tìm cách cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm thủ công truyền thống, đảm bảo hình thức đẹp, chất lượng tốt để hấp dẫn du khách. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ngoại ngữ và phong cách giao tiếp cho nhân viên thuyết minh...

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần đặc biệt lưu ý khai thác yếu tố văn hóa truyền thống địa phương trong du lịch làng nghề. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bày tỏ, nếu các làng nghề truyền thống được vực dậy gắn với những nét văn hóa độc đáo sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Do đó, các làng nghề cần xây dựng những bài thuyết minh chính thức với các ngoại ngữ chính cho hướng dẫn viên, trong đó có thông tin nghiên cứu về lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội của làng nghề.

Hiện cả nước có hơn 3.000 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau. Hoạt động sản xuất của các làng nghề đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương tỷ lệ này là 60%.