Vì vậy, làm sao để kéo giảm ùn tắc và TNGT đang là vấn đề được mọi cấp ngành quan tâm với việc triển khai nhiều giải pháp. Mấu chốt để giải quyết vấn đề đó là đào tạo được một thế hệ chấp hành tốt các quy định về ATGT. Để hoàn thành được mục tiêu này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai chương trình giáo dục Luật Giao thông đường bộ trong trường học. Năm học nào cũng có học sinh bị thương tích, tử vong vì TNGT. Ngay như đầu năm học 2013 - 2014, đã có một học sinh nữ ở trường Hanoi - Amsterdam chết vì TNGT. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp học sinh bị ngã gây chấn thương sọ não, gẫy tay, chân. Vì vậy, Sở GD&ĐT đã xác định giải pháp, phương án hữu hiệu nhất để giảm thiểu tai nạn cũng như UTGT đó là việc tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh hiểu và chấp hành tốt các quy định pháp luật về ATGT. Thống kê cho thấy, năm học 2013 - 2014, số học sinh trên địa bàn Thủ đô xấp xỉ 1,6 triệu, với hơn 117.000 cán bộ, giáo viên. Do đó, chỉ cần mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh chấp hành tốt luật giao thông thì tình hình ATGT của Thủ đô được cải thiện đáng kể. Ví dụ thực tế nhất, đó là việc cả thầy - trò đều thực hiện tốt chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc đổi giờ học, điều chỉnh giờ học cũng là biện pháp giảm UTGT. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT liên tục có những đợt tuyên truyền, hướng dẫn về ATGT cụ thể đến các trường học. Từ đó các trường cũng có những giải pháp cụ thể để tuyên truyền đến 100% giáo viên, học sinh về ATGT. Hàng năm, ngành giáo dục có tổ chức cuộc thi về ATGT với nhiều đề tài, nội dung có tính thuyết phục… xây dựng những tiểu phẩm thiết thực. Đặc biệt, ngành giáo dục đã đưa ra những thông điệp cho học sinh như: "Tai nạn hôm nay có thể là bạn, mai có thể là mình"; đưa hình ảnh của học sinh bị tai nạn nằm trên giường bệnh… cho các em thấu hiểu những nỗi đau đó. Trong công tác giáo dục, các tiết học có môn giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, giáo viên đưa ra các hình ảnh vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ,… giảng giải cho các em hiểu, đó là những hình ảnh xấu, cần từ bỏ. Đồng thời hướng dẫn các em học sinh chấp hành pháp luật ATGT. Về phía gia đình, chúng tôi yêu cầu các trường mời cha, mẹ đến tuyên truyền, vận đông để phụ huynh hiểu và cùng chung tay, ký cam kết, không cho con em đi xe máy đến trường. Đội mũ bảo hiểm cho con, em khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, để giảm thiểu tai nạn, khắc phục UTGT, không chỉ riêng ngành giáo dục mà cần cả sự vào cuộc của cơ quan, đoàn thể các địa phương. Ở mỗi địa phương có trường đóng trên địa bàn, chính quyền địa phương cần có quy định, yêu cầu các điểm giữ xe quanh trường không được nhận trông xe cho học sinh. Xử phạt nặng các điểm nhận gửi xe máy của học sinh quanh các trường học. Nên định kỳ mỗi quý một lần, giao ban về an ninh trật tự giữa chính quyền địa phương cùng công an phường, quận. Đối với những tuyến phố ngắn ở nội thành có nhiều trường cùng trên trục đường, cần điều chỉnh giờ tan trường để học sinh không ùa ra đường cùng lúc. Không để cha mẹ đón ở trước cổng trường, cô chủ nhiệm trao trả con cho cha mẹ ở các điểm, (cách cổng trường hợp lý), tránh ùn tắc trước cổng trường. Những trường có sân rộng, mở cổng trường cho cha mẹ vào đón con bên trong sân. Đặc biệt, Sở GTVT nên cắm biển cấm đỗ, dừng trước cổng trường, bố trí các điểm đỗ xe buýt hợp lý hơn, không để quá gần cổng trường để đảm bảo an toàn cho học sinh, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bộ Công Thương, KH&CN và các cơ quan chức năng phải có đợt tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ về xe đạp điện… Đặc biệt, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường cần kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với xe buýt, xe thô sơ, 3 bánh tự chế chở hàng công kềnh… Bởi, hàng ngày khi học sinh đi học gặp rất nhiều các loại phương tiện trên vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn đường nhưng không hề bị kiểm tra, xử phạt. Đây chính là hình ảnh phản cảm, tạo thói quen xấu cho học sinh cũng như người tham gia giao thông.