Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải là một tiêu chí của xây dựng nông thôn mới nhưng được coi là khâu đột phá trong thực hiện chương trình này.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến "Việc cần làm sau DĐĐT" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều qua (24/12), đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP cho biết, sau DĐĐT, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trồng hoa lan công nghệ cao tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
Trồng hoa lan công nghệ cao tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
Quản lý tốt đất đai

Tại cuộc giao lưu, ông Nguyễn Tuấn Khải - Phòng Kế hoạch NN&PTNT, Sở KH&ĐT thông tin, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội (Khóa XIII) đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Trong đó quy định, thời hạn giao đất nông nghiệp được kéo dài 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay. Cùng với việc thực hiện DĐĐT, đây sẽ là cơ hội để người dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Tại buổi trực tuyến, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP cũng thông tin tới bạn đọc những chính sách mới nhất của TP về hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa sau DĐĐT. Đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 8, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 - 2020. Đây sẽ là "đòn bẩy" quan trọng giúp các địa phương phát triển nông nghiệp hàng hóa.qTrong hai năm qua, ngân sách TP đã hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng cho các xã thực hiện chính sách khuyến khích DĐĐT, xây dựng và kiên cố hóa đường giao thông thôn xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến năm 2014, TP sẽ trích ngân sách 686 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác DĐĐT.
Bà Vũ Thị Như Hoa - Phó Trưởng phòng Ngân sách quận huyện xã phường (Sở Tài chính)

Tuy nhiên, với thời hạn sử dụng đất lâu dài như vậy, nhiều độc giả băn khoăn, liệu có tình trạng người nông dân lợi dụng chuyển đổi sản xuất để sử dụng đất sai mục đích hay không? Độc giả Phúc Hậu, huyện Hoài Đức nêu vấn đề: "Tôi lo nhất là sau khi DĐĐT, mỗi nhà sẽ có 1 cái trang trại, họ ra dựng lều lán chăn vịt, trồng chuối rồi sau vài năm tất cả biến thành nhà ở trái phép. Vậy TP có biện pháp quản lý đất đai sau DĐĐT như thế nào?". Về vấn đề này, ông Khải cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, người dân tham gia cùng địa phương lập và giám sát quy hoạch. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất đã chỉ ra vùng nào chuyên canh, vùng nào làm trang trại… Do đó, mặc dù được giao đất tới 50 năm nhưng sẽ không có chuyện biến đất lúa thành đất ở như người dân lo lắng.

Phát triển sản xuất theo quy hoạch

Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, nhiều địa phương đang phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Thực tiễn sản xuất ở một số địa phương như Từ Liêm, Đan Phượng, Mê Linh… đã xuất hiện mô hình trồng hoa ly, lan cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình này sau DĐĐT như thế nào là vấn đề được nhiều người dân băn khoăn. Ông Bùi Đình Mẫn, huyện Thường Tín gửi câu hỏi tới buổi giao lưu: "Nếu huyện, xã nào cũng thực hiện phát triển vùng rau, lúa, hoa cây ăn quả hàng hóa sau DĐĐT liệu có quá máy móc hay không?".

Trả lời vấn đề này, bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, việc tổ chức sản xuất trên vùng đất đã được DĐĐT phải thực hiện đúng Quy hoạch Phát triển nông nghiệp TP Hà Nội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế của địa phương cũng như nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, hướng dẫn và giúp đỡ các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả.

Hiện nay, TP đã định hướng bố trí các vùng sản xuất nông sản hàng hóa như: Vùng sản xuất rau đậu thực phẩm, vùng rau an toàn ở Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì; Vùng hoa, cây cảnh tập trung ở các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín...; Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô khoảng 40.000ha tại các huyện Ứng Hoà, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai...