Đẩy mạnh tuyên truyền cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/9, Hội đồng Phối hợp Phổ biến, Giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giới thiệu về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật TP, quận, huyện, thị xã.

Theo đó, hội nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về địa phương nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Đồng thời, triển khai đồng bộ, sâu rộng, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đến cán bộ công chức và Nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức trách nhiệm trong các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
 Hội nghị giới thiệu về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Ảnh: Thái San.
Hội nghị giới thiệu về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Ảnh: Thái San.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP cho biết, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, các kế hoạch, chương trình trọng tâm cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư, trong những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác cải cách tư pháp; đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch công tác theo từng năm, từng giai đoạn.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy, các cơ quan tư pháp TP, các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, thị xã trên cơ sở thực tiễn của từng đơn vị đã xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị của cấp mình, ngành mình. Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Đề án 06-ĐA/TU của Thành ủy, Kế hoạch số 27/KH-UBND của UBND TP, chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016 và các nhiệm vụ bổ sung trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của Thành ủy, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ chính trị, Kế hoạch 38-KH/CCTP của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư và các văn bản liên quan đã được các cơ quan, các ngành tư pháp tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp về vị trí, vai trò của hoạt động tư pháp trong đời sống xã hội được nâng cao.

Hoạt động của các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới, chất lượng các mặt công tác có những chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác điều tra truy tố, xét xử được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ án oan sai đã giảm mạnh so với những năm trước, công tác thi hành án dân sự đã được nâng lên một bước, nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp được giải quyết. Công tác tuyên truyền, PBGDPL đã bám sát hoạt động ở cơ sở ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả. Hoạt động bổ trợ tư pháp của TP được khuyến khích mở rộng theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, đã góp phần tích cực vào mọi mặt đời sống - kinh tế - xã hội của TP.

Thực hiện Chương trình số 02 ngày 8/12/2015 giữa Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP về việc phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2015-2020; Hội đồng phối hợp PBGDPL TP phối hợp với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy tổ chức hội nghị giới thiệu về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp cho thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, lãnh đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL các quận, huyện, các sở, ban, ngành và toàn bộ đội ngũ báo cáo viên pháp luật TP, quận, huyện, thị xã, các cán bộ công chức ngành tư pháp.

Hội nghị đã nghe Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh – Cục trưởng Cục Pháp chế & Cải cách hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) giới thiệu chuyên đề: “Tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm triển khai đồng bộ Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị”.

Cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, pháp lý của đất nước; có ý nghĩa cả về phương diện lý luận và thực tiễn, đồng thời cũng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua công tác cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời và mang lại hiệu quả tích cực. Việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp đã bám sát mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW.