Trong khuôn khổ lễ hội “Sắc màu làng nghề trên quê hương nhà Lý”, ngày hôm qua (22/12) tại Bắc Ninh, Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức tổng kết đánh giá thí điểm dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) để phát triển làng nghề. Theo đánh giá, cả ba mô hình thí điểm đều có hiệu quả tốt, có khả năng nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Triển vọng bước đầu
Triển khai Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010, Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dạy nghề triển khai thí điểm 3 mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp cho LĐNT, gồm: Đào tạo nghề để xây dựng làng nghề mới và khôi phục làng nghề đã bị mai một; Đào tạo nghề kết hợp với xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm; Đào tạo nghề, tổ chức việc làm để duy trì, phát triển làng nghề truyền thống. Sau hai năm triển khai, đến nay đã có 2.149 LĐNT được đào tạo với trên 20 nghề thủ công, thời gian đào tạo từ 3 - 5 tháng/nghề.
Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, trước khi triển khai, cơ sở đào tạo phải ký hợp đồng đảm bảo 80% người học sau đào tạo có việc làm hoặc có khả năng tự tạo việc làm. Do đó, kết thúc các lớp thí điểm, cơ bản người lao động có việc làm, tăng thu nhập. Trong đó riêng với mô hình thứ ba, 80 - 90% số học viên sau khi tốt nghiệp được các cơ sở đào tạo tạo việc làm theo hình thức giao khoán sản phẩm với thu nhập bình quân từ 1,2 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Công nghệ phát triển làng nghề đã hỗ trợ triển khai mô hình đào tạo nghề mây tre đan và thêu tranh phong cảnh để xây dựng làng nghề mới tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì. Kết thúc chương trình thí điểm đã có 120 học viên nông dân được đào tạo nghề. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện ở Cổ Đô đang dần hình thành làng nghề mây tre đan. Người lao động đã có thể mang nguyên liệu về gia công tại nhà với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Cần sự tham gia của xã hội
Theo khảo sát của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện có tới 90,4 % số làng nghề truyền thống thiếu lao động. Do vậy, việc triển khai thành công thí điểm ba mô hình đào tạo nghề nêu trên đã mở ra hướng đi mới trong đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn cho rằng, vấn đề đặt ra là làm sao đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của mỗi địa phương, tránh tình trạng "dạy cái ta có không dạy cái thị trường cần". Muốn làm được điều đó, cần thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, xã hội hóa việc đào tạo nghề chứ không chỉ trông chờ vào hệ thống trường lớp của các cơ sở công lập.
Cùng với đó, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và tổ chức xã hội ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong khâu khảo sát nhu cầu học nghề và công tác tuyển sinh. Thực tế cho thấy, nếu không có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, công tác tuyển sinh sẽ khó đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, theo nghệ nhân Phạm Trần Canh, làng nghề nón Chuông, huyện Thanh Oai, để triển khai tốt các lớp dạy nghề, cần hỗ trợ nguồn vốn vay cho lao động để phát triển sản xuất sau học nghề. Đồng thời, có chính sách khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia dạy nghề truyền thống và khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động hoặc nhận bao tiêu sản phẩm lâu dài cho người lao động sau khi học nghề.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để mở rộng các lớp đào tạo nghề cho LĐNT theo ba mô hình trên, Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể phát triển làng nghề trên cả nước. Trên cơ sở đó, các địa phương lập quy hoạch xây dựng phát triển làng nghề của địa phương mình để có hướng đào tạo nhân lực phù hợp.