Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), đến ngày 25/3/2013, vốn XDCB toàn TP Hà Nội thực hiện được 3.705,9 tỷ đồng bằng 20,76% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt 3.324,4 tỷ đồng, bằng 18,62% kế hoạch.
Trong đó, vốn đầu tư cấp TP quản lý thực hiện ước 2.253,5 tỷ đồng bằng 20,95% kế hoạch, giải ngân đạt 1.992,9 tỷ đồng bằng 18,53% kế hoạch; vốn cấp quận, huyện, thị xã quản lý, thực hiện khoảng 1.474,4 tỷ đồng bằng 20,79% kế hoạch, giá trị giải ngân đạt 1.331,5 tỷ đồng bằng 18,77%. Nhìn chung công tác XDCB và giải ngân còn chậm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban XDCB thành phố ngày 26/3. Ảnh: Anh Quý
Lý giải việc chậm, một số ý kiến cho rằng Tết Nguyên đán nghỉ dài ngày, công tác GPMB chậm, do phải thực hiện theo quyết định 02/2013/QĐ-UBND, theo hướng giá đền bù tăng lên, dẫn đến nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư... Ngoài ra, một số dự án trọng điểm, vừa được phê duyệt đầu năm cũng chưa được bố trí vốn để thực hiện GPMB, xây lắp như: Dự án cầu vượt Daewoo, cầu vượt đi bộ đường Bắc Thăng Long, GPMB cho đường vành đai II, 3 dự án trạm bơm khối nông nghiệp; đặc biệt có dự án phải điều chỉnh lớn, như: Dự án đường vành đai I (Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu), mức đầu tư từ 642 tỷ đồng tăng lên 915 tỷ; các dự án: đường Trần Phú – Kim mã, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cũng dự kiến kinh phí tăng rất nhiều…
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, một số đơn vị chưa vào cuộc quyết liệt, còn tình trạng chờ đợi thiếu chủ động trong công việc, công tác chỉ đạo điều hành lúng túng… Phó Chủ tịch đề nghị, nơi nào chủ đầu tư, hoặc đơn vị thực hiện năng lực yếu thì cho thay.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tập trung rà soát các dự án đầu tư XDCB để giải quyết dứt điểm các dự án còn tồn đọng; tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh công tác GPMB thực hiện các dự án XDCB.
Phó Chủ tịch khẳng định, Quyết định 02 của UBND TP là nhằm tháo gỡ khăn, trong đó giá trị đền bù sát với thị trường để đẩy nhanh tiến độ cho công tác GPMB. Các địa phương, đơn vị nắm chắc tinh thần này để triển khai. Phó Chủ tịch yêu cầu, các chủ đầu tư duy trì cơ chế báo cáo hàng tháng với Sở KH&ĐT để cùng tháo gỡ nhưng khó khăn phát sinh.
Tới đây, các chủ đầu tư cần tập trung triển khai các dự án: Trạm bơm Đan Hoài (nằm trên địa phận 2 huyện Đan Phượng, Hoài Đức) do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư còn thiếu nguồn vốn 40 tỷ đồng, yêu cầu Sở KH&ĐT bố trí đủ vốn.
Về Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – ga Hà Nội), chủ đầu tư cần phối hợp với các các sở, ngành làm việc với huyện Từ Liêm, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, hoàn thành trong tháng 4/2013; quận Hai Bà Trưng trong tháng 4 báo cáo TP quy chế quản lý và chỉnh trang 2 bên đường phục vụ cho dự án đường vành đai 1...
Các kiến nghị về điều chỉnh vốn, GPMB, cơ chế đầu tư, giao Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội để có phương án chỉ đạo, giải quyết, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Năm 2013, tổng vốn đầu tư phát triển Ngân sách nhà nước địa phương quản lý là 23.879,9 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 326 tỷ đồng, được phân bổ cấp TP quản lý 16.787,646 tỷ; quận, huyện thị xã là 7.092,254 tỷ đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ giao cho TP là 1.113,3 tỷ đồng, phân bổ cho 2 lĩnh vực thủy lợi và ký túc xá sinh viên; vốn xổ số kiến thiết Thủ đô là 185 tỷ đồng, phân bổ cho các dự án giáo dục và y tế. |