Căn cứ thứ nhất xuất phát từ hiện trạng thực hiện trong 7 tháng đầu năm của nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN). Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng đầu tư từ nguồn NSNN thực hiện trong 7 tháng đã có xu hướng cao lên qua các tháng (Bình quân một tháng trong 2 tháng đầu năm đạt 13.872 tỷ đồng.
Tháng 3 đạt 17.217 tỷ đồng, tháng 4 đạt 20.760 tỷ đồng, tháng 5 đạt 23.027 tỷ đồng, tháng 6 đạt 25.098 tỷ đồng; bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm là 19.079 tỷ đồng. Tháng 7 đạt 25.679 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm đến nay). Một số bộ, ngành, tỉnh, TP đạt tỷ lệ cao hơn như Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, tỉnh Bình Định, TP Cần Thơ, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Thái Bình… Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm của ngân sách địa phương đạt thấp, của ngân sách T.Ư còn đạt thấp hơn.Căn cứ thứ hai xuất phát từ yêu cầu tăng trưởng cả năm theo kế hoạch là 6,7%, với suất đầu tư tăng trưởng 5,3 lần của năm 2016 (đã thấp hơn suất đầu tư tăng trưởng 5,4 lần của bình quân thời kỳ 2011 - 2015, thấp hơn nhiều so với suất đầu tư tăng trưởng 6,2 lần của thời kỳ 2006 - 2010), thì tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP của năm 2017 sẽ là trên 35,5%. Trong cuộc họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phấn đấu đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34 - 35%/GDP - tỷ lệ này cao hơn Nghị quyết về kế hoạch năm 2017 là 31,5%. Đồng thời, Thủ tướng còn có ý kiến chỉ đạo cụ thể có liên quan đến đầu tư công, đến đầu tư, sản xuất…, như giao Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thành giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản, các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20%. Đây là tốc độ tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay (năm 2011 tăng 14,2%, năm 2012 tăng 8,85%, năm 2013 tăng 12,5%, năm 2014 tăng 14,16%, năm 2015 tăng 18%, năm 2016 tăng 18,71%). Tốc độ tăng này có thể được coi là phù hợp bởi một số yếu tố diễn ra trong 7 tháng đầu năm và khả năng cả năm 2017, CPI sau 7 tháng mới tăng 0,31% (thấp xa so với tốc độ tăng 2,48% của cùng kỳ năm 2016), dự báo cả năm 2017 sẽ tăng thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của năm 2016 (tăng 4,74%), nhưng cao hơn 2 năm trước đó (năm 2014 tăng 1,84%, năm 2015 tăng 0,6%). CPI bình quân 7 tháng so với cùng kỳ tăng 3,91% - tuy cao hơn con số tương ứng của cùng kỳ (1,82%), nhưng gần như chắc chắn sẽ thấp hơn mục tiêu (4%). Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng thấp hơn cùng kỳ (1,49% so với 1,81%). Tỷ giá sau 7 tháng vẫn còn giảm nhẹ (giảm 0,03%), bình quân 7 tháng cũng tăng thấp hơn cùng kỳ (1,45% so với 3,67%).