Đã đến giới hạn báo động
Những ngày gần đây, nợ công không chỉ được dư luận quan tâm mà còn là vấn đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội. Ông đánh giá thế nào về tình hình nợ công hiện nay?
- Nợ công của Việt Nam trong 3 năm gần đây tăng rất nhanh, như Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng khi tốc độ nợ công tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế là tín hiệu không tốt. Thể hiện ở chỗ chúng ta phải vay quá nhiều tiền mà đáng buồn là tiền đấy lại không tạo ra nguồn lực phát triển. Đối với tỷ lệ nợ công, Quốc hội đã đưa ra trần là 65% GDP, mà đến năm 2015 tính ra đã gần sát trần rồi. Nợ công tính đến năm 2015 là trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao. Đến năm 2016 này, nếu tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 6,5% thì coi như kịch trần, còn chỉ đạt 6,3% là vượt trần. Hai chỉ tiêu đó đều nói lên rằng nợ công của Chính phủ hiện nay đang ở giới hạn rất báo động.
Theo ông, có những nguyên nhân nào khiến chúng ta thành “con nợ” lớn đến như vậy?
- Giai đoạn 2010 - 2015 là giai đoạn nợ công tăng với tốc độ phi mã, từ 35% lên đến 62,2%. Có hai lý do dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là trước giai đoạn 2010, chúng ta đang ở thời kỳ tăng trưởng kinh tế chạy theo bề rộng và dựa vào các nguồn lực vốn, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ là chủ yếu. Nghĩa là mô hình tăng trưởng dựa vào các yếu tố đầu vào. Khi mô hình này được thực hiện để mở rộng quy mô tăng trưởng, yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng số một, mà vốn trong nước lại không có thì bắt buộc phải đi vay để đầu tư công. Đó là điều bất kể nước nào cũng phải thực hiện. Đầu tư công từ nguồn vốn vay này rất lớn, tỷ lệ thuận với lượng nợ công.
Vấn đề thứ hai chúng ta thấy tại sao giai đoạn đó tăng nhanh, từ năm 2008 đến 2013 - 2014, kinh tế khủng hoảng. Trong điều kiện khó khăn như thế, GDP tăng trưởng chậm mà đầu tư công chưa đem lại hiệu quả ngay nên tổng thu ngân sách rất ít. Vì vậy, giai đoạn từ 2011 - 2014 là thời kỳ liên tục vượt mức bội chi ngân sách. Không chỉ bội chi mà còn vượt kế hoạch cho phép, thậm chí có năm mức bội chi còn lớn hơn cả mức đầu tư công. Điều đó có nghĩa phần thu ngân sách không đủ để chi dùng về mặt thường xuyên, Chính phủ còn phải vay thêm tiền để phục vụ chi thường xuyên. Thực tế là tỷ trọng chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước đang ở mức rất cao, chiếm đến 82% tổng chi trong năm 2015, tăng mạnh so với tỷ lệ 69% trong năm 2010. Điều này phản ánh thực tế là công tác kiểm soát chi thường xuyên còn lỏng lẻo, khiến số liệu quyết toán ngân sách thường cao hơn nhiều so với số liệu dự toán, khiến cho nợ công tăng một cách chóng mặt.
Nhưng qua các phiên thảo luận vừa qua về kinh tế - xã hội của Quốc hội, cũng thấy có cả những lý do chủ quan, thưa ông?
- Rõ ràng vấn đề liên quan đến công tác quản lý thể hiện rất rõ. Trong những năm 2008 - 2010, các chuyên gia đã cảnh báo phải thay đổi mô hình tăng trưởng, không phải dựa theo yếu tố đầu vào mà cần chuyển sang tái cơ cấu kinh tế. Nhưng chúng ta mới chỉ đưa ra được giải pháp thế thôi chứ chưa thực hiện tái cơ cấu được gì, vẫn dựa vào vốn. Đáng nói là nhiều nguồn vốn đầu tư kém hiệu quả. Nếu vốn vay về được đầu tư hiệu quả sẽ đem lại nguồn thu, kích cầu tăng trưởng thì sẽ không tăng mức nợ công lên. Nhiều dự án “khủng” nhưng không sinh lời, thậm chí còn gây thất thoát lớn.
Rất nhiều ý kiến lo ngại trước việc Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay một số Tập đoàn, Tổng Công ty khi hàng loạt dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Ông bình luận về việc này thế nào?
- Đúng là hiện nay có tình trạng Chính phủ phải trả nợ bù cho các DN. Chúng ta biết rằng nợ công của Chính phủ gồm 3 phần: nợ bản thân đầu tư của Chính phủ; Chính phủ trả nợ cho các địa phương đã vay nhưng không trả được và trả bảo lãnh. Tức là các DN Nhà nước vay, đầu tư không hiệu quả, không trả được thì Chính phủ là người bảo lãnh sẽ phải đứng ra “gánh”. Đây đúng là điều tạo ra bức xúc thực sự cho xã hội. Nhưng là DN Nhà nước, Chính phủ đứng ra bảo lãnh rồi, nên bây giờ buộc đứng ra trả thôi, không còn cách nào khác.
Có thể kể ra đây những dự án thuộc ngành xi măng, giao thông, công nghiệp tàu thủy, giấy, thép, hóa chất như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam chuyển từ vốn vay sang vốn NSNN cấp, chuyển thành nợ Chính phủ 55.400 tỷ đồng; Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy dự kiến nợ dự phòng NSNN phải ứng trả thay trong 10 năm tới 63.200 tỷ đồng... Một số dự án vay vốn với điều kiện vay bị ràng buộc, chi phối bởi phía cho vay trong việc lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp nguyên, vật liệu, thiết bị, vật tư,... dẫn tới chi phí thực hiện dự án cao, hiệu quả thấp, gây bức xúc trong dư luận.
Đừng “hòa cả làng”
Thật rất sốt ruột khi thỉnh thoảng lại được biết thêm về những con số hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước có khả năng mất trắng trong những dự án đầu tư đủ loại. Bởi vậy, người dân có quyền đặt câu hỏi: Bao nhiêu trong số tiền khổng lồ lên tới cả triệu tỷ đồng kia đã bị thất thoát, lãng phí, xà xẻo, và theo ông, ai phải chịu trách nhiệm cá nhân cho những khoản nợ quốc gia đã bị tiêu xài như thể... “tiền chùa”?
- Đây cũng là điều tôi cũng đang băn khoăn, sốt ruột. Rõ ràng là những dự án đầu tư công không mang lại hiệu quả rất cần phải quy trách nhiệm, xử lý nghiêm. Nếu không trong tương lai, người ta sẽ lại tiếp tục đầu tư chất lượng kém, lãng phí công sức, tiền mồ hôi nước mắt để đóng thuế của dân. Cho đến nay, ai đã chịu trách nhiệm về chuyện này? Thực tế cho thấy rất nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, nhưng cũng chỉ mới được nói, đề cập đến mức nào đấy thôi. Chỉ khi nào phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến “hậu quả” đó do anh tham nhũng, tiêu cực, cố ý vi phạm thì mới có người bị xử lý. Nhưng đến nay, việc tìm ra ai sai phạm vẫn còn khá ít. Chúng ta dễ dàng chỉ ra các dự án hàng nghìn tỷ đồng đang “đắp chiếu”, hoạt động cầm chừng, thậm chí càng hoạt động càng thua lỗ, nhưng đều đổ lỗi do khách quan, nên “hòa cả làng”, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả.
Vậy theo ông chúng ta cần những giải pháp gì để “ghìm cương” và giảm nợ công?
- Trước hết phải quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công, không có chuyện cứ “đổ tiền” vào dự án một cách tràn lan. Trước khi triển khai, cần đánh giá rõ tính khả thi về tài chính, kỹ thuật, môi trường… Các cơ quan liên quan đều phải tham gia đánh giá liệu dự án có đạt kết quả như mong đợi hay không. Khi dự án “đổ” thì những người đánh giá cũng phải bị truy cứu trách nhiệm. Tôi nghĩ làm chặt, làm nghiêm khâu này thì chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn đầu tư công.
Bên cạnh đó, áp lực nợ công chỉ giảm khi trách nhiệm cá nhân được truy rành mạch, rõ ràng. Còn nếu như những người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm cho những dự án “đắp chiếu”, nhưng một thời gian sau lại thấy ở vị trí cao hơn như một số cá nhân ở Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí vừa qua hay thì nợ quốc gia sẽ còn tăng nhanh và nền kinh tế còn khó khăn gấp bội.
Thứ nữa, phải tiết kiệm chi tiêu công. Hiện, Chính phủ cũng đang rất cương quyết về việc này. Như chính sách khoán chi tiêu công cũng là cách tôi cho là khá hiệu quả. Thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố sẽ không mua xe mới, không dùng chuyên cơ mà đi máy bay thương mại. Rồi yêu cầu mới đây là trong vài năm tới sẽ giảm dần số xe công. Đây là những chỉ đạo, hành động quyết liệt mà tôi hy vọng các cấp, các ngành sẽ hưởng ứng tích cực. Có như vậy, chúng ta mới kéo được nợ công xuống ngưỡng an toàn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!