Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để 100% người dân Hà Nội được sử dụng nước sạch: Quyết tâm cao nhưng cần giải pháp mạnh

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho Nhân dân trên địa bàn Hà Nội do Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, người dân Thủ đô. Nhiều lượt câu hỏi bám sát vấn đề, đã được lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành, huyện, xã, DN thực hiện dự án cấp nước sạch trả lời thẳng thắn, rõ trách nhiệm trước những tồn tại cần giải quyết, nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND TP: "Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đến năm 2020 phấn đấu đạt 100%”.

Công nhân vận hành kỹ thuật tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều huyện đạt thấp
Theo Thường trực HĐND TP, năm 2016, khu vực nông thôn mới có hơn 2,3 triệu dân (37,2%) dùng nước sạch. Để triển khai Nghị quyết (NQ) ĐH Đảng bộ TP khóa XVI và thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP phấn đấu 100% người dân Hà Nội nói chung, người dân nông thôn nói riêng được sử dụng nước sạch (không phải nước hợp vệ sinh), theo đề xuất của UBND TP, HĐND TP đã ban hành NQ số 05/2016/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 trong đó nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đến năm 2020 phấn đấu đạt 100% (cả khu vực đô thị, nông thôn). Sau 3 năm triển khai, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch năm nay đã đạt 65%. Song vẫn còn một số huyện đạt rất thấp như: Chương Mỹ chỉ 18%, Mỹ Đức 10%, Phú Xuyên 12%, Ứng Hòa 27%...

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, TP đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp nước, đến 31/7/2019 đã chấp thuận 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án, trong đó 5/11 dự án phát triển nguồn, 14/28 dự án phát triển mạng lưới đã hoàn thành. Song, vẫn còn nhiều dự án chậm, khả năng sẽ chậm theo kế hoạch; còn 160/420 xã/thị trấn chưa có mạng cấp nước. Ngoài ra, tuy cơ bản mọi hộ dân đô thị đã được dùng nước sạch nhưng có lúc vẫn thiếu nước cục bộ, nhất là dịp hè ở một số khu vực quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông… hoặc chất lượng nước chưa đảm bảo.

Dự án chậm không chỉ do GPMB

Trong khi nhu cầu nước sạch vô cùng cấp bách, nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TP rất bức xúc khi tại TP đang triển khai 11 dự án cấp nước nhưng tới 6 dự án chậm trễ. Trong đó, dự án xây trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức) do Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư (CĐT) năm 2013 đã hoàn thành nhà máy (NM) nhưng đến 2016 tạm dừng. UBND TP đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Đông tiếp nhận để đến 2019 cấp nước sạch cho các xã của Mỹ Đức. Nhưng đến nay đã 6 năm kể từ khi hoàn thành NM, dự án vẫn dang dở, một số hạng mục xuống cấp. “Sở Xây dựng có giải pháp gì thúc đẩy cấp nước cho các xã của Mỹ Đức, khi hơn 1 năm nữa phải hoàn thành chỉ tiêu NQ HĐND TP? Tại huyện lại chỉ có 4 trạm nước sạch nông thôn, trong đó 2 trạm đang đề nghị thanh lý” - ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) đặt vấn đề. Tương tự, với dự án tại xã Tiến Thịnh (Mê Linh) được phê duyệt từ tháng 6/2018 nhưng GPMB nhiều khó khăn, các ĐB cho rằng Chủ tịch xã, huyện cần nêu rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành GPMB.
Để 35% người dân còn lại của Thủ đô được sử dụng nước sạch, nhất là ở nông thôn, đòi hỏi quyết tâm của các cấp chính quyền, vào cuộc của DN, ủng hộ của người dân. HĐND TP cũng sẽ đẩy mạnh giám sát tại 4 huyện có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn thấp là Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa và yêu cầu các huyện tăng tuyên truyền cho người dân, đề xuất giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh các dự án.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc

Bên cạnh đó, năm 2017, UBND TP đã chấp thuận 2 DN cấp nước trên địa bàn Phúc Thọ là Công ty CP Kỹ thuật môi trường biển thực hiện ở xã Long Xuyên, Thượng Cốc; Công ty CP Xây dựng Việt Nam nối mạng cấp nước cho xã Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc. Kế hoạch năm 2018 hoàn thành, nhưng hiện 2 dự án thậm chí chưa thi công, đất GPMB bị để hoang. Cùng cảnh ngộ, dự án xây hệ thống cấp nước sạch 8 xã thuộc Chương Mỹ và lân cận do Công ty CP đầu tư đô thị Xuân Mai làm CĐT, được phê duyệt từ 2013, dự kiến 2017 hoàn thành, nhưng hiện chưa có mặt bằng xây bể chứa, mới có mạng phân phối ở 1/8 xã... Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, chính quyền luôn tạo điều kiện cho DN, song DN giữ dự án nhưng chưa thỏa thuận được với ngân hàng về vốn.

Trước không ít dự án nước sạch chậm trễ, trả lời các câu hỏi mà các ĐB nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nhấn mạnh: Các dự án chậm chủ yếu do vướng GPMB, khả năng của nhà đầu tư trong khi ở Chương Mỹ và 3 xã của Sóc Sơn, Thạch Thất dân cư thưa, địa hình khó… Trong đó, dự án trạm cấp nước cục bộ thị trấn Đại Nghĩa vướng mắc do Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng có nguồn đầu tư, Công ty Nước sạch Hà Đông có kinh nghiệm lại không có nguồn; còn do nguồn nước ngầm ở sông Đáy rất ô nhiễm. TP sẽ đưa công suất NM sông Đuống lên 16.000m3/ngày, đêm, NM nước mặt Quan Sơn lên 10.000m3/ngày, đêm để đưa nước đến trạm này. Với trạm Mỹ Đức, Sở đã thống nhất nhà đầu tư Aquaone cuối quý III/2019 khởi công hợp phần Xuân Mai, quý I/2021 hợp phần này sẽ đưa nước qua đường 6 từ Hòa Bình về, hợp khối toàn bộ trục. Với địa bàn Phúc Thọ, Sở Xây dựng tham mưu và TP đã giao CĐT khác có đủ điều kiện triển khai, đơn vị đã lên phương án thiết kế. “Chúng tôi trong tháng 9/2019 sẽ thu hồi 2 dự án tại Phúc Thọ, cấp chủ trương đầu tư cho CĐT mới”- Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Trước tình trạng chậm GPMB, Chủ tịch xã Tiến Thịnh (Mê Linh) cho biết, hơn 400 hộ dân không đồng thuận lấy đất lòng hồ vì có 40ha diện tích nước hồ phục vụ tưới tiêu đất nông nghiệp. Lãnh đạo UBND huyện đề nghị TP cho phép không thu hồi diện tích hồ; xã và huyện sẽ làm CĐT nạo vét, xây kè tạo cảnh quan, giữ nước tưới tiêu cho người dân và một phần cho Công ty.

Với dự án cấp nước sạch Chương Mỹ chậm tiến độ (giao năm 2013 trên phạm vi 16 xã), Giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh lý giải do GPMB và quy hoạch, song cũng thừa nhận do “lúng túng” về nguồn vốn từ Nhà nước sang xã hội hóa. Từ 2017 đến nay, UBND huyện quyết liệt nên đến 6/2019 đã bàn giao mặt bằng trạm X2, tháng 10/2019 sẽ giao nốt trạm X1. “Tháng 8/2019 được bàn giao đất, chúng tôi đã xây bể chứa và trạm tăng áp, cam kết quý II/2020 sẽ hoàn thành cấp nước cho các xã”- ông Oanh khẳng định.

Thay ngay chủ đầu tư không đủ năng lực

Trước những vấn đề ĐB quan tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: TP, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép các công ty nước sạch Nhà nước không bắt buộc phải giữ 51% vốn, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. 3 năm qua đã có 37 lần họp nhà đầu tư, DN, huyện, xã... để khơi thông chính sách GPMB; kết nối ngân hàng về vốn, thông qua Quỹ đầu tư làm “vốn mồi” cho nhà đầu tư... Song, trước tình trạng nước sạch đến rồi mà có nơi người dân vẫn chưa dùng, Chủ tịch UBND TP cho rằng: TP sẽ cho rà soát toàn bộ giếng khoan bị ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với những giếng nhiễm thạch tín, asen; với 300.000 giếng khoan ở nông thôn sẽ đề xuất hỗ trợ người dân đóng lại, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm. Đồng thời, sẽ xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân, đối thoại giải quyết khúc mắc cho DN cấp nước, trợ giá cho nông thôn, điều chỉnh giá nước hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân - DN... “Ngay sau phiên giải trình, TP sẽ rà soát các DN nước sạch, phải đủ năng lực, nếu không nhất định sẽ thay thế. Tôi cũng mong người dân nhiệt tình ủng hộ lắp đặt mạng truyền dẫn nước, vì dùng nước sạch là đảm bảo sức khỏe chính mình”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ngày 12/4/2019, Sở Tài chính đã có văn bản báo cáo UBND TP về kế hoạch, lộ trình thực hiện điều chỉnh giá nước sạch, phân công cụ thể trách nhiệm các cơ quan, tiến độ hoàn thành. Theo lộ trình đã được UBND TP chấp thuận, dự kiến trong tháng 9/2019 liên ngành hoàn thành rà soát giá thành của từng đơn vị cấp nước, đề xuất phương án giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn để đầu tháng 10/2019 báo cáo UBND TP phương án cụ thể.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà