Kinhtedothi - Có thể nói, việc thực hiện cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh mà dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây là một bài học và thành phố Hà Nội cần đánh giá nghiêm túc để rút kinh nghiệm.
Cách làm không phù hợp, người dân thiếu thông tin, không được tham gia đóng góp ý kiến trước khi đề án triển khai, nên gây bức xúc trong dư luận cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược bảo vệ cây xanh một cách dài hơi, không chỉ cần rút kinh nghiệm ở riêng đề án này mà cần xem xét một cách tổng thể, trong đó có sự chung tay của toàn xã hội.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đánh giá một số cấp, ngành trong thực hiện đề án đã nóng vội, nên kịp thời chỉ đạo dừng chặt hạ cây và trả lời bằng văn bản tất cả các câu hỏi của công luận, song dư luận vẫn chưa nguôi ngoai.
Ảnh minh họa.
|
Bên cạnh đó, trên các phương tiện truyền thông, báo chí và các trang mạng những ngày qua cũng quan tâm, phản ánh nhiều thông tin xung quanh vấn đề này. Thực tế trên cho thấy, trong thời kỳ đô thị hóa và biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề môi trường, cây xanh là rất quan trọng và đang được đặt ra cấp thiết hơn. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn là điểm đến hấp dẫn của thế giới, mà một trong những nét nổi bật là hệ thống cây xanh cổ kính, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, gắn với đời sống lâu đời của nhân dân.
Trên nhiều tuyến phố cổ, phố cũ hiện còn giữ được những hàng cây xanh cổ kính như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Lò Đúc, Trần Hưng Đạo... Cây cổ thụ lâu năm còn tập trung ở một số nơi như vùng Hoàng Thành Thăng Long, công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Cho dù việc chặt hạ những cây thải loại, sâu mục, không đúng chủng loại là cần thiết, với mục tiêu của đề án là xây dựng đô thị đẹp, bảo đảm an toàn cho người dân thì việc này cũng cần được thông báo rộng rãi, lấy ý kiến để người dân hiểu và đồng thuận trước khi làm.
Tuy nhiên, vấn đề này đã không được chú trọng đúng mức. Bài học từ việc triển khai chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh ở Hà Nội cho thấy sự lên tiếng của người dân là hết sức cần thiết. Nhưng cũng cần đặt câu hỏi vì sao để cây xanh xuống cấp nhanh chóng, nghiêm trọng, chỉ đến khi chính quyền dành công sức, tiền của để bảo vệ thì cộng đồng mới lên tiếng. Những việc làm này, cần có sự vào cuộc, giám sát thường xuyên, cùng thực hiện công tác bảo vệ cây xanh của người dân.
Trong thực tế, khi cây xanh bị xâm hại, ngoài trách nhiệm bảo vệ của chính quyền thì mỗi người dân cần phát huy vai trò làm chủ, lên tiếng trước những việc làm không đúng, thế nhưng vẫn còn không ít trường hợp vì lợi ích cá nhân mà cố tình xâm hại cây xanh. Mỗi người chung tay bảo vệ cây xanh mọi nơi, mọi lúc sẽ là cách làm hiệu quả nhất vì chính quyền cũng không thể đủ sức, đủ lực lượng để bảo vệ từng gốc cây trước những hành vi phá hoại.
Hệ thống cây xanh ở Hà Nội đang "xuống cấp" bởi nhiều sự tác động. Hàng ngày trên mọi tuyến phố, không khó để bắt gặp cảnh cây xanh bị tàn phá như đóng đinh, đóng cọc, buộc dây lắp biển quảng cáo, rao vặt, mắc võng, kê bàn ghế bán hàng, không những làm mất mỹ quan đô thì mà tác động không nhỏ tới sự sinh trưởng của cây.
Ngoài ra, còn có nhiều hành động xấu như đổ a xít, nước nóng, dầu luyn, bịt xi măng khiến cây chết để phục vụ cho lợi ích cá nhân như mở nhà hàng, khách sạn, gara và thuận tiện trong xây dựng nhà cửa, công trình. Không những thế, vì lợi nhuận, các đối tượng phạm tội còn ngang nhiên, táo tợn ăn cắp cả cây xanh đem đi bán.
Hàng năm, Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội cắt sửa trên 4.000 cây bóng mát, chặt hạ 1.000 cây chết khô, cây sâu mục, cây nghiêng nguy hiểm, tháo dỡ hàng ngàn biển quảng cáo trên cây xanh. Công ty cũng giải quyết trên 200 sự cố cây đổ, cành gãy.
Các lực lượng chức năng của thành phố cũng tháo dỡ hàng ngàn biển quảng cáo sai quy định; ngành công an lập các chuyên đề, chuyên án để đấu tranh, phòng chống tội phạm phá hoại cây xanh.
Thành Đoàn Hà Nội triển khai nhiều chương trình bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh bằng các mô hình, việc làm mới như: Đội vệ sinh tự quản, đường hoa thanh niên, đường cây thanh niên, quét vôi bảo vệ cây xanh... Tuy nhiên, những mô hình này còn áp dụng ở phạm vi hẹp, ở một vài tuyến đường và cũng chưa được làm một cách thường xuyên, liên tục trong năm mà chủ yếu là trong từng đợt.
Trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội hiện có khoảng trên 50.000 cây xanh, trong đó nhiều cây cổ thụ, cây quý lâu năm; không ít cây nằm trong tình trạng nguy hiểm, bị xâm hại, cần bảo vệ khẩn cấp. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình thiết thực, hiệu quả cũng như kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết, cần biến thành phong trào sâu rộng, chứ không chỉ là việc của chính quyền.