Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến thời hạn cuối để hoàn thành một đề án văn hóa lớn nhất từ trước đến nay, thế nhưng vẫn nhiều người nghi ngại đặt câu hỏi: Công tác “hậu” kiểm kê sẽ là kế hoạch bảo tồn hay là cuộc đua danh hiệu?
Những di sản kịp giữ
Ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, khách thập phương về trẩy hội đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) ngỡ ngàng đón xem các màn kéo co ngồi của đội Mạn đường, Mạn chợ, Mạn đìa. Cách đây khoảng 20 năm, nhiều bà con sinh sống ở quận Long Biên không nghĩ một ngày nào đó di sản này lại được phục dựng. Bởi theo câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Văn Huy - người tham gia kiểm kê di sản kéo co ngồi ở Trấn Vũ: “Năm 2013, Sở VH&TT Hà Nội tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi về Trấn Vũ tìm hiểu về di sản kéo co ngồi. Đoàn đi điền dã khắp làng, hỏi người trẻ lắc đầu không biết, người già còn láng máng. Nghi lễ kéo co truyền thống của hội làng gần như không diễn ra vào mùa xuân hàng năm”. Nghi lễ kéo co ngồi diễn ra gần nhất năm 1944. Ở phường Thạch Bàn bây giờ còn duy nhất cụ Nguyễn Văn Xê (sinh năm 1924) tham gia lần diễn xướng đó còn sống.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, thần tích để lại thì truyền thống ấy có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng trong chiến tranh và cả sau năm 1975, kéo co ngồi không được thực hành. Mãi đến năm 1989, di sản kéo co mới được phục dựng. Phục dựng rồi cũng để đó. Dân làng kéo nhau đi làm ăn tứ phương, chẳng còn mấy nam thanh hồ hởi tham gia. Không gian dự định để thực hành nghi lễ trước cổng đền Trần Vũ cũng bị đề xuất xây làm trụ sở của Viện Toán học Việt Nam. Trong quá trình kiểm kê, các nhà khoa học, cán bộ ngành văn hóa ra sức thuyết phục người dân, chính quyền địa phương về giá trị văn hóa của di sản kéo co ngồi mà cha ông để lại. Những nghi lễ thực hành kèm theo các lần kéo co không phải là trận chơi thể thao như mọi người từng nhìn về tên gọi của nó, mà còn gắn bó với niềm tin tâm linh, tinh thần đoàn kết của người dân. Sau 2 năm thuyết phục, về Thạch Bàn vào ngày hội đền Trấn Vũ người dân nô nức trẩy hội. Từ bậc cao niên đến các em thiếu nhi, thấp thỏm từ đêm khuya chờ tiếng trống hội cùng nghi lễ kéo co ngồi trước sân đền.
Cũng như di sản kéo co ngồi ở Long Biên, trước khi thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, tiếng lóng ở làng Đa Chất (huyện Phú Xuyên), hát trống quân (huyện Phúc Thọ)… cũng gần như biến mất. Hồi mới nghe cụ Lê Đình Hiệp (90 tuổi) nói tiếng lóng, nhiều người còn bảo đó là tiếng nói Âu Lạc của Thủ đô. Mãi đến khi các nhà khoa học đặt chân về tìm hiểu, thế hệ bây giờ mới hiểu đó là tiếng lóng của người thợ cối đã tồn tại từ xa xưa trong làng. Đến nay nghề cối mai một, tiếng lóng vì thế không còn được thực hành. Nhưng nhận diện ra giá trị của di sản không chỉ là những ngôn ngữ đơn thuần, các cán bộ kiểm kê di sản đã tiến hành số hóa để lưu giữ.
Không vì “cái mẽ” danh hiệu
Theo bà Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Việt Nam, đơn vị phối hợp thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Thủ đô: “Hà Nội là một TP lớn, rất nhiều di sản phi vật thể và Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” là một dự án khó”. Tiến hành từ năm 2013, dự kiến hoàn thành cuối năm 2015 nên những người làm công tác kiểm kê đang chạy nước rút để hoàn thành đề án.
“Tính đến tháng 6/2015, Hà Nội đã triển khai kiểm kê được ở 16 huyện, 2 quận. Có 12 quận, huyện đã lập xong bản đồ di sản văn hoá phi vật thể. Hơn 100 di sản đưa vào danh mục ưu tiên bảo vệ, hơn 1.000 di sản được lập phiếu và đưa vào danh mục thống kê, 2 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và 6 di sản khác đang được lập hồ sơ. 6 dự án bảo vệ khẩn cấp di sản đang được nghiên cứu và chuẩn bị triển khai” – TS Lê Thị Minh Lý cho biết.
Khi đề án kiểm kê di sản được thực hiện, rất nhiều địa phương đã nhầm tưởng việc kiểm kê là để xếp hạng di sản. Các địa phương cũng dành sự quan tâm nhiều đến cấp danh hiệu để có nguồn kinh phí bảo tồn di sản. Nhưng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: “Khi một di sản ở danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hay nếu sau này ở danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới liên quốc gia thì Bộ VHTT&DL và UNESCO chỉ nhằm mục đích tôn vinh, nắm bắt di sản ở mức độ nào, thúc đẩy nhận thức của cộng đồng để họ có thái độ ứng xử đúng với di sản, chứ không phải ở “cái mẽ” danh hiệu”.
Theo kế hoạch của Sở VH&TT Hà Nội, trong giai đoạn tiếp theo của đề án, công tác kiểm kê của Hà Nội sẽ chú trọng việc thiết lập cơ chế phối hợp dựa trên cộng đồng trong triển khai công tác kiểm kê và cập nhật thông tin. Đồng thời những người làm công tác kiểm kê khuyến khích sự chủ động và tự nguyện tham gia của các đại diện thành viên cộng đồng, có quy chế tài chính hỗ trợ các cá nhân có công trong công tác kiểm kê và cập nhật thông tin. Đề án sẽ chú trọng hơn việc nâng cao nhận thức và kỹ năng làm việc với cộng đồng trong công tác kiểm kê của cán bộ văn hóa các cấp. Phương pháp tiếp cận nhấn mạnh sự tham gia tích cực của cộng đồng chủ thể văn hóa được xác định trong đề án, qua quá trình kiểm kê đã cho những kết quả bước đầu có ý nghĩa về thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đồng thời góp phần bổ sung thêm kinh nghiệm thực hành tốt và cơ sở điều chỉnh trong hoạch định chính sách về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội, cũng như ở cấp độ quốc gia.
Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên năm 2015. Ảnh: Thanh Loan
|
“Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội là một việc làm cấp thiết, nhằm nhận diện rõ ràng không chỉ về khối lượng, loại hình các di sản văn hóa phi vật thể mà còn xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại. Vấn đề then chốt của việc kiểm kê là xác định các biện pháp đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể theo hướng kế thừa văn hóa sống. Ngoài việc kiểm kê, Sở VH&TT Hà Nội tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” – ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội. “Sau khi tiến hành kiểm kê di sản văn hóa tại các xã, chúng tôi có dịp trao đổi với cán bộ địa phương, quản lý di sản về các kinh nghiệm bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương” - bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Anh. |