KTĐT - Theo kết quả kiểm phiếu, cả hai ứng cử viên tranh cử đều không đạt đa số phiếu quá bán tối thiểu trong quốc hội gồm 601 ghế để trúng cử.
Phiên họp toàn thể Hội đồng Hiến pháp Nepal (Quốc hội) vào chiều tối 21/7 đã không bầu chọn được một Thủ tướng mới của nước này và sẽ phải tiến hành bỏ phiếu lần thứ hai vào cuối tuần này.
Có 592/599 Nghị sỹ tham dự cuộc bỏ phiếu ngày 21/7. Cả ba chính đảng chủ chốt của Nepal là đảng Cộng sản Nepal Maoist Thống nhất (UCPN-M), đảng Cộng sản Nepal Marxist Leninist Thống nhất (CPN-UML) và đảng Quốc đại Nepal (NC) đều đưa ứng cử viên tranh cử vị trí thủ tướng.
Tuy nhiên, trước cuộc bỏ phiếu, CPN-UML đã rút lại ứng cử viên của đảng này vì nhận định sẽ khó giành được chiến thắng áp đảo. Người phát ngôn CPN-UML tuyên bố đảng này ủng hộ thành lập một chính phủ liên hiệp.
Theo kết quả kiểm phiếu, cả hai ứng cử viên tranh cử đều không đạt đa số phiếu quá bán tối thiểu trong quốc hội gồm 601 ghế để trúng cử, trong đó, Chủ tịch UCPN-M Dahan Prachanda, ứng cử viên nhiều triển vọng nhất, được 242 phiếu ủng hộ, 114 phiếu chống và 236 phiếu trắng, trong khi Phó Chủ tịch NC Ram Chandra Poudel được 124 phiếu ủng hộ, 235 phiếu chống và 228 phiếu trắng.
Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp, ông Subash Nembang công bố sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu thứ hai vào ngày 23/7 tới với hai ứng cử viên của UCPN-M và NC.
Nepal không có chính phủ kể từ khi Thủ tướng Madhav Kumar Nepal từ chức ngày 30/6 vừa qua. Từ đó đến nay các chính đảng lớn đã cố gắng thương lượng để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhưng không thành.
UCPN-M hiện kiểm soát nhiều ghế nhất tại Quốc hội muốn đóng vai trò trung tâm trong chính phủ liên hiệp và nắm ghế thủ tướng. Tuy nhiên, NC và CPN-UML đã bác bỏ khả năng UCPN-M lãnh đạo chính phủ liên hiệp.
Vì các đảng không đạt được thỏa hiệp thành lập chính phủ liên hiệp vào hạn chót ngày 7/7 do Tổng thống Ram Baran Yadav ấn định, Hội đồng Hiến pháp đã quyết định họp phiên toàn thể để bầu ra một chính phủ đa số./.