Kinhtedothi - Lưu ý tài sản trí tuệ, trong đó đề cao yếu tố sáng tạo, chú trọng đổi mới phương thức quản trị nhân sự đồng thời lưu ý các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ… Đó chính là nhưng nội dung cơ bản được các diễn giả đặt ra tại buổi tọa đàm "Gia nhập TPP, doanh nghiệp cần lưu ý tài sản trí tuệ" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 29/12.
Thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi tọa đàm với tư cách diễn giả, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - NCS.Tiến sỹ tại Đại học Quản lý & Khoa học Malaysia cho rằng, khi gia nhập TPP, đối với các doanh nghiệp (DN), phương thức quản trị doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi, trước hết là quản trị tri thức.
Theo ông Hiệp, hiện nay có nhiều cách hiểu về quản trị tri thức, chẳng hạn: Quản trị tri thức là tạo ra tri thức, và việc này được nối tiếp với việc thể hiện kiến thức, truyền bá và sử dụng kiến thức, và sự duy trì (lưu giữ, bảo tồn) và cải biên kiến thức. Hoặc, quản trị tri thức là quá trình của việc quản lý một cách cẩn trọng tri thức để đáp ứng các nhu cầu hiện hữu, để nhận ra và khai thác những tài sản tri thức hiện có và có thể đạt được và để phát triển những cơ hội mới...
Các diễn giả tại buổi tọa đàm "Gia nhập TPP, doanh nghiệp cần lưu ý tài sản trí tuệ" (Ảnh: Việt Tâm)
|
Trên cơ sở tổng kết các định nghĩa khác nhau về quản trị tri thức, McAdam và McGreedy đã chỉ ra rằng, chúng thể hiện một miền rộng lớn từ những quan điểm có tính cơ giới (coi tri thức là tài sản) tới quan điểm thiên về định hướng xã hội (tri thức được tạo ra trong tổ chức thông qua những quan hệ xã hội).
Các định nghĩa về quản trị tri thức thể hiện nổi bật các đặc tính như: Quản trị tri thức là một lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với lý luận và thực tiễn, và là một lĩnh vực mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Quản trị tri thức không phải là công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin chỉ là yếu tố hỗ trợ, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản trị tri thức", ông Hiệp nói.
Dưới quan điểm cá nhân, ông Hiệp cho rằng, quản trị tri thức trước hết cần đề cao yếu tố con người, nói cách khác, đó là lấy yếu tố con người làm trọng tâm. Trong đó, lãnh đạo cần đáp ứng các yêu cầu căn bản, bao gồm: Sự thấu cảm, sự thúc đẩy, lòng tự trọng, sự cam kết, sự quyết định và sự nhận thức giữa các cá nhân.
"Nhà lãnh đạo cần chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để phát huy lợi thế cạnh tranh nội lực và những tri thức cần thiết để chuẩn bị hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như TPP và AEC. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung và xây dựng những yếu tố tri thức mang tính quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để có thể tham gia vào một "cuộc chơi" mới", ông Hiệp chia sẻ.
Nâng cao nhận thức của lãnh đạo DN
Theo các diễn giả, trong nền kinh tế tri thức, giá trị của mỗi doanh nghiệp không còn nằm ở tài sản hữu hình mà ẩn chứa trong tài sản tri thức. Doanh nghiệp cần ứng dụng quản trị dựa vào tri thức để tăng tính hiệu quả và bền vững của chính họ.
Diễn giả Nguyễn Hoàng Hiệp nêu thí dụ điển hình: Chúng ta ít nhiều đều biết đến Công ty TNHH Honda. Doanh nghiệp này được Soichio Honda sáng lập năm 1948, chủ yếu sản xuất xe máy, xe hơi, máy phát điện và một số loại động cơ.
Nhà sáng lập Honda nói rằng “trên cả công nghệ, thứ chúng ta phải đánh giá cao nhất là con người”. Triết lý của Honda là “tôn trọng cá nhân”. Có nghĩa là “con người sinh ra là những cá nhân tự do và độc đáo với năng lực tư duy, suy xét và sáng tạo”. Chính việc khuyến khích sáng tạo và quản trị sáng tạo hiệu quả đã giúp công ty chế tạo thành công loại xe hơi Civic. Sản phẩm này ra đời đã tạo ra hiệu quả tái cấu trúc mạnh mẽ quá trình phát triển sản phẩm mới của công ty trong tương lai.
"Mấu chốt thành công của Honda là sự sáng tạo tri thức liên tục ở mọi cấp độ trong tổ chức và việc hình thành các biện pháp quản lý nhằm khuyến khích sự sáng tạo của tất cả nhân viên", ông Hiệp chia sẻ.
Ở Việt Nam, khái niệm quản trị dựa vào tri thức còn tương đối mới mẻ và chưa được doanh nghiệp và xã hội nhận thức đầy đủ. Vì vậy, để có thể áp dụng quản trị dựa vào tri thức cho doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức và xác định tối thiểu 3 yếu tố cơ bản. Đó là, con người đóng vai trò quan trọng và tiên quyết trong quá trình sáng tạo tri thức. Các tri thức mới thường được phát sinh trong quá trình làm việc. Cuối cùng, triết lý, tầm nhìn và sự ủng hộ của lãnh đạo đóng vai trò quyết định đối với việc tạo ra tri thức mới trong tổ chức.
Những nhận thức này cần được lãnh đạo doanh nghiệp chuyển hóa thành các hành động cụ thể. Chẳng hạn, hình thành và bổ sung chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên tri thức, từ đó xây dựng văn hóa doanh nghiệp định hướng quản trị dựa vào tri thức nhằm tạo điều kiện cho nhân viên hòa vào môi trường sáng tạo tri thức và chia sẻ chúng.
Xây dựng hệ thống và quy trình chia sẻ thông tin, tri thức trong doanh nghiệp, tăng cường các kỹ năng chia sẻ thông tin, tri thức cho cán bộ, nhân viên và khách hàng của doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận thông tin về doanh nghiệp một cách nhanh chóng, đồng thời hợp tác, hỗ trợ khách hàng trong việc chia sẻ kiến thức nhằm thúc đẩy quá trình hình thành quản trị tri thức.
Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nội bộ, người có kinh nghiệm đào tạo, hướng dẫn cho người mới. Tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sản phẩm. Khuyến khích và tăng tính tự chủ trong các hoạt động sáng tạo tri thức bên trong doanh nghiệp.
"Để khuyến khích nhân viên sáng tạo tri thức, doanh nghiệp cần tôn trọng nhân viên, có phần thưởng kịp thời cho nhân viên khi họ đóng góp được những sáng kiến quan trọng cho doanh nghiệp" diễn giả Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận.