Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu (ĐB) Quốc hội. Trước khi vào phần chất vấn trực tiếp, Thủ tướng đã phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề các vị ĐB Quốc hội đã nêu trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Xung quanh các vấn đề kinh tế, Thủ tướng cho biết, tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại. Hiện nay, đã xử lý được trên 101.000 tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Công ty quản lý tài sản (VAMC) dự kiến đến hết năm 2013 mua khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 9/2013 là 4,62%. Do đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, nhất là việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay; trích lập dự phòng rủi ro; cơ cấu lại nợ vay... Thủ tướng cũng khẳng định, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Về vấn đề y đức, Thủ tướng cho biết, hiện nay, ngành y tế có hơn 500.000 cán bộ nhân viên, trong đó có trên 60.000 bác sĩ. Hầu hết cán bộ y tế có tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với người bệnh và đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc giỏi, có uy tín, được nhân dân và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn cán bộ y tế suy thoái về đạo đức, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy thuốc và uy tín của ngành y tế. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, rà soát hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao đạo đức phẩm chất, y đức của đội ngũ cán bộ y tế. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc.

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Trần Thị Hiền về việc Chính phủ đồng ý nâng trần bội chi ngân sách song vẫn lo lạm phát cao quay trở lại, Thủ tướng cho biết, đây là băn khoăn của nhiều ĐB Quốc hội. Có ĐB Quốc hội còn lo có trả nợ được không? Thủ tướng giải trình, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu thì mục tiêu - tăng trưởng GDP 5,8% của năm 2014, kiểm soát lạm phát ở 7%, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn - là khả thi.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cùng dành mối quan tâm đặc biệt đến vấn đề nợ đọng văn bản hướng dẫn luật kéo dài nhiều năm và giải pháp của Chính phủ. Câu hỏi ĐB đặt ra là, Chính phủ có xử lý trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức rõ và xem việc xây dựng và ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Phiên họp hàng tháng nào, Chính phủ cũng dành thời gian thực hiện. Khi cần, Chính phủ còn họp phiên chuyên đề về vấn đề này. Tình hình nợ văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực tế đã diễn ra nhiều năm nhưng đến năm 2012, Chính phủ đã nhận thức yếu kém này và tập trung khắc phục. Đến cuối năm 2012 còn nợ 27 văn bản, đây là mức thấp nhất so với 10 năm trước. Năm 2013, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần ban hành tới 129 văn bản thi hành 38 Luật, Pháp lệnh. So với năm 2012, con số này gấp đôi. Tới ngày 20/11, theo báo cáo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, còn nợ 19 văn bản, đã ban hành 110 văn bản. Chính phủ cam kết sẽ cố gắng hết sức.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã có các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng và nâng cao chất lượng văn bản. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Thủ  tướng, các Phó Thủ tướng được phân công cho tới các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, soạn thảo nghị định, quy định… Thủ tướng Chính phủ tin rằng, theo tinh thần này thì việc nợ đọng văn bản sẽ được khắc phục, chất lượng văn bản pháp quy từng bước được nâng lên.

 
Trả lời chất vấn về hệ lụy của dự án thủy điện và giải pháp khắc phục, Thủ tướng Chính phủ khẳng định:  Dự án thủy điện phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường sinh thái - an toàn. Với các nhà máy đang vận hành, phải rà soát, đánh giá lại an toàn hồ đập. Nếu không an toàn phải ngừng hoạt động. Phải bổ sung quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt để phù hợp điều kiện thực tế. Phải công khai cho nhân dân biết quy trình này. UBND các địa phương tăng cường thực hiện trách nhiệm của mình, buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa. Ai thực hiện không đúng phải xử lý nghiêm theo quy định.