Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dè chừng tỷ giá

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng cuối năm, thị trường tài chính và ngoại hối thế giới còn diễn biến phức tạp, ngoài ra, cầu nội địa Việt Nam đang phục hồi báo trước biến động khó lường của tỷ giá.

Chịu thử thách từ bên ngoài

Sau khi cân nhắc trong hai ngày cuối tuần, tỷ giá trung tâm đầu tuần này (ngày 27/6) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 21.866 VND/USD, tăng 21 đồng so với ngày cuối tuần (21.845 VND/USD). Tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại ngày đầu tuần, ghi nhận mức tăng 30 - 40 đồng/USD so với tuần vừa qua, giao dịch quanh mức 22.290 - 22.370 đồng/USD.
Giao dịch ngoại tệ tại một chi nhánh HD Bank. Ảnh: Thanh Hải
Giao dịch ngoại tệ tại một chi nhánh HD Bank. Ảnh: Thanh Hải
Hiện giới chuyên gia nhận định rất khác nhau về diễn biến tỷ gia thời gian tới cũng như tác động của việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Brexit). Có ý kiến cho rằng, phản ứng của thị trường Việt Nam mang nặng yếu tố tâm lý, đặc biệt với vàng và tỷ giá. Hiện, dự trữ ngoại hối đang ở mức khá, cán cân thương mại đang thặng dư, chính sách điều hành tỷ giá mới và quan điểm ổn định tỷ giá của NHNN, nỗ lực thu hút vốn FDI, cải cách môi trường kinh doanh… sẽ khiến tỷ giá khó có sự tăng sốc.

Ở khía cạnh ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá. Sự tác động này không chỉ từ việc đồng Bảng Anh và đồng EURO giảm giá, mà còn là hiệu ứng domino từ việc giảm giá của các đồng USD và đồng Nhân dân tệ. Cụ thể hơn, giá trị của đồng EURO và đồng Bảng Anh đang suy giảm so với USD, chính vì thế hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn vì ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá. Trong bối cảnh này, việc NHNN phá giá thêm nữa với tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu và tạo bước đệm linh hoạt cho điều chỉnh tỷ giá là cần thiết. Một ảnh hưởng lớn nữa là, sự mất giá của đồng EURO khiến hàng hóa của Trung Quốc xuất sang các nước châu Âu sẽ đắt đỏ, buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ, dẫn tới khả năng NHNN phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá. “Sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND đang chịu thử thách từ bên ngoài” - nhóm nghiên cứu VCBS nhận định.

 Tỷ giá trườn bò đi lên?

 NHNN cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường thế giới, đánh giá cụ thể để có biện pháp chủ động ứng xử hợp lý. Song theo các chuyên gia, ngoài chịu thử thách từ bên ngoài, VND đang chịu áp lực lớn nếu xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, vấn đề nợ công…, cộng với nhu cầu vay ngoại tệ của DN những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh. Hơn thế, nếu lựa chọn giữ tỷ giá cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực, đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối. Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng.

Thực tế dù không điều chỉnh, nhưng NHNN vẫn chừa “lối thoát” cho tỷ giá là việc NHNN sẽ để cho tỷ giá trung tâm biến động mạnh hơn, sát hơn với yêu cầu của thị trường hơn. Như vậy, cho dù biên độ biến động tỷ giá vẫn giữ nguyên và biến động trong biên độ cho phép +/-3%, tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường vẫn có thể biến động mạnh theo cán cân cung cầu thực tế trên thị trường mà không nhất thiết bị “neo” cứng như trước đây. Nhờ đó NHNN có thể phá giá VND (dần từng bước) hơn nữa so với USD, từ mức quá cao như trước đây (theo cơ chế tỷ giá cũ) vốn gây hại cho nền kinh tế nói chung và cho quỹ dự trữ ngoại hối nói riêng của NHNN và NHNN đang và sẽ ở vào thế hoàn toàn chủ động với tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại chính sách trần lãi suất huy động USD 0% nhằm tận dụng được nguồn lực ngoại tệ lớn từ dân cư và để “khớp” với việc mở lại tín dụng ngoại tệ là cần thiết.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng