Đặc biệt là bởi đây là năm thứ hai chúng ta đón Tết trong trạng thái sẵn sàng phòng chống dịch Covid-19, thậm chí Tết con Trâu tinh thần cảnh giác phòng chống dịch bệnh còn cao hơn cả Tết con Chuột năm ngoái, khi mà dịch bệnh có những diễn biến vô cùng phức tạp ngay trong những ngày đầu xuân mới.
Nếu như Tết Canh Tý năm trước đã hiện hữu đến lần thứ ba ngay giữa lòng Hà Nội với hình ảnh con virus Corona mới chỉ lảng vảng đâu đó, thì Tết Tân sửu năm nay, nó nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, phức tạp hơn.
Để có những ngày Tết bình an, phấn khởi của người dân Hà Nội, bên cạnh sự chủ động, vận dụng những kinh nghiệm đã có trong các đợt phòng chống dịch trước với những biện pháp quyết liệt, phải kể đến sự chung tay của người dân Thành phố. Chính thái độ bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình và cả cộng đồng của mỗi người dân Thủ đô đã góp phần làm cho công tác phòng chống dịch bệnh đạt kết quả, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng và bước đầu kiểm soát được dịch bệnh. Mặc dù tình hình đã cơ bản được kiểm soát, nhưng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội, từ 0 giờ ngày 16/2, Thành phố đóng cửa các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê; tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn dịch bệnh. Quyết định đúng đắn, phù hợp này đã được người dân ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh. Một lần nữa, người dân Hà Nội lại đồng lòng thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.Cũng cần phải thấy, việc tạm ngừng kinh doanh các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê hay tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn dịch bệnh là sự cố gắng, thậm chí hy sinh vì cuộc chiến chống dịch của người dân. Không có thống kê đầy đủ về các hộ cá thể kinh doanh dịch vụ ở Hà Nội nhưng chắc chắn đó không phải con số nhỏ. Và do đó, cũng thấy được tác động của quyết định này đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân. Ở một góc độ khác, theo lệ thường, đây là thời điểm Hà Nội cùng các tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ đang vào mùa lễ hội. Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, mùa lễ hội còn là dịp thuận lợi cho các dịch vụ kinh doanh, buôn bán. Thậm chí, có những địa phương, thu nhập của người dân hầu như chỉ trông vào mùa lễ hội. Để cùng nhau phòng chống dịch, người Hà Nội đã tiếp tục tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), bảo nhau thực hiện bí kíp 5T+ (Thực phẩm dinh dưỡng, tinh thần thoải mái, thể dục thể thao, tắm nắng, thở mạnh hít sâu, cộng thêm súc họng) để tăng cường thể lực, đủ sức chống lại con Covid. Nay người Hà Nội lại tiếp tục chấp nhận tạm dừng hoạt động sinh nhai, hy sinh cả về vật chất lẫn tinh thần để chung tay chống dịch. Từ thực tế trên, có thể một lần nữa nhắc lại, cùng với sự vào cuộc quyết lệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng là vô cùng quan trọng. Thông điệp 5K, bí kíp 5T+ hay bất cứ một biện pháp nào, đều chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi người dân tự giác thực hiện. Kinh nghiệm của những đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh năm 2020 và những ngày Tết Tân Sửu vừa qua đã chứng minh điều đó. Thực tế đó cũng một lần nữa nhắc nhở mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm và vai trò của mình trong công cuộc phòng chống dịch bệnh để Hà Nội và cả nước có những ngày Xuân trọn vẹn.