Để tránh tai nạn đáng tiếc, lái xe cần cho xe chạy chậm, quan sát kỹ trước khi chuyển hướng, cả qua gương chiếu hậu và trực tiếp quan sát trước sau.
Làm thế nào để lái xe an toàn khi trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế và đường bị ngập nước? Những gợi ý dưới đây có thể giúp bạn một số kinh nghiệm di chuyển an toàn.
Trời mưa, trong khi tầm nhìn bị hạn chế thì các tình huống nguy hiểm xuất hiện nhiều hơn, phanh lại không 'ăn' so với bình thường. Vì thế, lái xe máy dưới trời mưa cần đi chậm, quan sát kỹ trước khi chuyển hướng...để tránh tai nạn đáng tiếc.
Khi trời mưa gió không nên dùng mũ bảo hiểm nửa đầu vì dễ bị rát mặt và hạn chế tầm nhìn. Hãy dùng mũ bảo hiểm kín đầu, có mặt nạ bảo vệ đầu khỏi các vật có thể bay, va đập vào đầu, mặt. Nên dùng mũ bảo hiểm chính hãng có kính chắn tốt sẽ không bị mưa quất rát mặt, tầm nhìn tốt hơn. Không nên lắp mặt nạ quá cao vì sẽ khó quan sát. Không nên dùng một tay vuốt kính khi xe đang di chuyển nhanh.
Khi trời mưa to gió lớn cần hạn chế lái xe trên đường, đặc biệt là khi có sét. Để tránh xe không bị đẩy nghiêng theo chiều gió, nên đi song song với xe ôtô lớn mà tránh, nhưng không nên chạy xe ở điểm mà tài xế ô tô không thể nhìn thấy (điểm mù). Đây là điểm nằm ở hai góc phần tư phía sau do bị giới hạn bởi thân xe, hoặc vùng quan sát của gương không đủ lớn (rơi vào khoảng mù rất dễ xảy ra tai nạn bởi tài xế không có thông tin để xử lý tình huống).
Để lái xe an toàn trong mưa, bạn cần giữ một khoảng cách tương đối dư dả giữa xe của bạn với xe phía trước. Lý do là vì trên bề mặt ẩm ướt thường mất nhiều thời gian hơn để giảm tốc độ và dừng xe lại so với bề mặt khô. Nếu xe phía trước đột ngột mất khả năng kiểm soát phương tiện, bạn cũng đã có một khoảng cách đủ để kịp thời phản xạ nhằm tránh tai nạn. Khoảng cách lý tưởng giữa bạn với xe đi trước dài hơn 2 lần chiều dài thân xe.
Trên thực tế, nhiều lái xe, nhất là những người trẻ tuổi, khi gặp trời mưa thường co hai chân để lên gờ động cơ xe hoặc thậm chí đưa cả hai chân lên phần giá đỡ hàng ở phía trước xe để tránh nước mưa làm ướt, bẩn chân hay giày dép. Tuy nhiên, đây là tư thế lái rất nguy hiểm và do khả năng làm chủ tốc độ khi gặp chướng ngại vật rất thấp. Lái xe cần luôn tự nhủ: "Bẩn hay tai nạn ?" để có lựa chọn sáng suốt nhất khi gặp trời mưa.
Hình minh họa.
Theo các chuyên gia kỹ thuật an toàn xe máy, khi mưa ập xuống, đa số mọi người đều có xu hướng cho xe chạy nhanh để đến nơi cần đến hoặc rẽ đột ngột vào trú mưa nếu gặp mưa to. Vì thế, nguy cơ va chạm, hoặc ùn tắc mỗi khi trời đổ mưa cao hơn bình thường. Để tránh tai nạn đáng tiếc, lái xe cần cho xe chạy chậm, quan sát kỹ trước khi chuyển hướng, cả qua gương chiếu hậu và trực tiếp quan sát trước sau.
Đặc biệt, cả lái xe ôtô và xe máy cần lưu ý khi trời mưa, khoảng cách từ điểm phanh đến khi xe dừng lại hẳn có thể tăng gấp đôi so với bình thường nên lái xe cần phanh sớm hơn bình thường, nhưng tuyệt đối tránh phanh gấp.
Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra vì áo mưa cuốn vào bánh sau làm xe đổ, người ngã. Hay bị vướng áo mưa xe chạy cùng chiều, hoặc gió tốc tà áo trùm kín mặt khi lái xe. Đi xe ga khi gặp gió mạnh áo mưa tì vào tay phanh rất dễ bị ngã. Do đó cần chọn bộ áo mưa phù hợp khi đi xe máy.
Và đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở tầm nhìn và gây tai nạn. Nhiều trường hợp mặc áo mưa sẽ giảm khả năng quan sát hai bên cũng như qua gương chiếu hậu nên các chuyên gia khuyên người lái xe máy nên mặc áo mưa rời, giúp bạn dễ điều khiển xe, mở rộng tầm quan sát.
Áo mưa một lần liền mảnh, vì không che kín chân, lại mỏng nên người lái xe máy sẽ phải “khép nép”; dáng áo rộng thùng thình nên sức cản lớn, gây khó khăn khi lái xe. Loại áo này chỉ mặc khi mưa không quá to và ít gió.
An toàn nhất là bộ áo mưa liền quần, kèm ủng giầy bằng nilon cao cấp, kín, chống nước tốt và bền, mặc trùm ngoài. Áo ôm người nên không bị vướng, hay bị cản gió khi xe di chuyển, lại dễ điều khiển và quan sát. Nên chọn bộ áo mưa màu sắc sáng để người khác dễ nhìn thấy từ xa.
Với xe tay ga, khi qua đọan đường ngập nước nên dừng xe và cho động cơ hoạt động không tải 2-3 phút để khô phần nước bám vào dây cu-roa. Nếu tăng ga nhưng xe không chạy, hãy tắt máy ngay và dắt bộ qua vùng ngập, sau 5-10 phút hãy khởi động lại.