Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đe dọa nỗ lực chống khủng bố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi thông điệp cam kết trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của thủ lĩnh nhóm cực đoan Boko Haram được phát tán rộng rãi, nhiều người đã lo ngại, sự cuồng tín, tham vọng điên rồ và sự thống nhất sức mạnh của các nhóm cực đoan đã đe dọa nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế.

Trong đoạn ghi âm dài 8 phút, có phụ đề bằng tiếng Anh, Pháp và Ả Rập, thủ lĩnh của Boko Haram là Abubakar Shekau đã cam kết sẽ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Trước đó, hồi tháng 7 năm ngoái, Shekau đã lên tiếng ủng hộ mọi hành động của IS và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lực lượng này đang tìm kiếm cơ hội để liên kết với IS. Shekau từng nhiều lần tuyên bố trung thành với lãnh đạo al-Qaeda Ayman al-Zawahiri nhưng cấu trúc và hệ tư tưởng của Boko Haram khiến không chỉ al-Qaeda mà cộng đồng thánh chiến toàn cầu thể hiện rõ sự coi thường và không thừa nhận với tổ chức cực đoan ở Nigeria. Việc đứng chung chiến tuyến với IS sẽ giúp tổ chức này có cơ hội danh chính ngôn thuận để kêu gọi tài trợ, giúp đỡ về kinh nghiệm tuyển dụng chiến binh mới và tuyên truyền chiến tranh cũng như cơ hội mở rộng địa bàn sang khu vực Tây Phi.

 
Thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram Abubakar Shekau(giữa).  	Ảnh: AFP
Thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram Abubakar Shekau(giữa). Ảnh: AFP
Lòng trung thành của Boko Haram sẽ chỉ được IS chấp nhận khi phát ngôn viên Abu Mohammed al Adnani công nhận, nhóm này đã hoàn thành điều kiện mà IS đã đưa ra là phải thống nhất được 2 nhánh do Shekau và Ansaru điều hành. Ngoài việc cả 2 nhánh này khó đạt được tiếng nói chung, khả năng IS chấp nhận Boko Haram là rất ít bởi phương châm của 2 nhóm có nhiều sự khác biệt. Nếu như IS tập trung vào các mục tiêu được nhóm tuyên truyền là để trừng phạt những kẻ chống lại người Hồi giáo, Boko Haram lại tấn công bất kỳ mục tiêu Hồi giáo nào có thái độ hoặc hành động phản đối. Đó là chưa kể, lãnh đạo Ả Rập và thành viên của IS có xu hướng phân biệt chủng tộc với các thành viên Boko Haram.

Tuy nhiên, với tham vọng của Shekau cùng khả năng tấn công các nhà máy lọc dầu ở khu vực miền Nam giàu có, chiếm các cơ sở khai thác tài nguyên của Nigeria và biến những vạt rừng của miền Bắc nước này thành trại huấn luyện khổng lồ, rất có thể IS sẽ thay đổi quan điểm. Đặc biệt, với dân số 175 triệu người, Nigeria – địa bàn của Boko Haram là quốc gia đông dân nhất, thế lực chính trị và kinh tế lớn nhất ở châu Phi, là nơi tập trung nhiều cơ sở hoạt động của các tập đoàn kinh doanh dầu khí của Mỹ, phương Tây…, cái bắt tay với Boko Haram sẽ cho IS cơ hội để phô trương thanh thế, gia tăng sức mạnh.

Sự hợp tác giữa IS với Boko Haram hay bất kỳ một phe phái cực đoan nào trên thế giới cũng có khả năng tạo ra một liên minh khủng bố nguy hiểm hơn với sự lớn mạnh của một nền kinh tế khủng bố dựa trên các cuộc bắt cóc đòi tiền chuộc hay sự gia tăng của cuộc tấn công phô trương thanh thế trong khu vực Tây Phi. Đó là chưa kể, cái bắt tay này có thể tạo điều kiện để IS xích lại gần các chi nhánh al-Qaeda ở Tây Phi và các nhóm cực đoan ở Mali hơn. Với những lý do này, cộng đồng quốc tế hoàn toàn có lý do để lo lắng về sự liên kết, thống nhất lực lượng của các nhóm cực đoan bởi cái giá phải trả cho cuộc chiến chống al-Qeada, Taliban trước đây là quá đắt.