Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để đúng nghĩa “đặc thù”

Khải Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/11, thảo luận tại hội trường, hầu hết các ĐB Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình cao đối với những đặc thù của dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 7/11, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận về thực hiện Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 – 2020, trong đó trao cho Hà Nội một số cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, quy hoạch, đầu tư… Đây là những cơ sở quan trọng giúp cho hai đầu tàu kinh tế tiến nhanh hơn và đóng góp lại cho đất nước.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Thực ra câu chuyện “đặc thù” cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đề cập đến từ lâu, nhưng vẫn chưa được cụ thể hóa. Thế mới có chuyện dù đóng góp phân nửa ngân sách cả nước, nhưng từ các chính sách đến cung cách quản lý của hai TP hầu hết đều “hao hao” như các tỉnh, TP khác. Thậm chí năm 2017, ngân sách hai TP còn bị cắt giảm để “chia lửa” với T.Ư, trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội lại ngày càng tăng.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức tại đây, áp lực cũng là rất lớn, khối lượng công việc gấp nhiều lần, nhưng mô hình quản lý, chế độ đãi ngộ không khác là mấy so với các xã ở nông thôn, miền núi. Chính vì thế, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất tăng lương công chức, viên chức TP lên 2 lần. Lý do, năng suất lao động của công chức, viên chức TP gấp 1,5 lần so với bình quân cả nước; GDP của TP cũng cao nhất cả nước và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia.

Thuận hơn TP Hồ Chí Minh một bước, khi Hà Nội đã có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị rồi Luật Thủ đô. “Hành trang” tưởng như đã đủ, nhưng để đi vào cuộc sống, để thực sự phát huy hiệu quả vẫn còn không ít rào cản. Có Luật Thủ đô rồi, nhưng nhiều vấn đề thực tiễn lại “bó” theo các luật khác, chưa phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội. Nhiều dự án trọng điểm, cấp bách lắm rồi, tuy nhiên khi triển khai vẫn phải tuần tự đúng các thủ tục, có khi đến vài năm mà chưa xong.

Làm sao để không “cào bằng”, không phải “xé rào” vì nhiệm vụ chung, đó là bài toán mà những cơ chế đặc thù phải đưa ra lời giải. Nếu không làm sớm, nói như ĐB Dương Trung Quốc, từ một TP “sầm uất” đã trở nên “trầm uất”, không chỉ cản bước hai trụ cột kinh tế mà còn làm chậm nhịp phát triển của đất nước. Muốn vậy, bên cạnh sự chủ động của hai TP, các bộ, ngành cũng cần tạo điều kiện, tránh tình trạng có “đặc thù” rồi nhưng vẫn phải loay hoay xin thêm những cơ chế, chính sách riêng.