Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để hạn chế ùn tắc Hà Nội nên tác làn đường, hạn chế taxi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 26/2/2010, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cùng đại diện các cục, vụ, viện, tổng công ty thuộc Bộ GTVT đã tới thăm và làm việc với Sở GTVT Hà Nội.

KTĐT - Chiều 26/2/2010, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cùng đại diện các cục, vụ, viện, tổng công ty thuộc Bộ GTVT đã tới thăm và làm việc với Sở GTVT Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã báo cáo Bộ trưởng công tác QLNN về GTVT trên địa bàn thành phố như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý vận tải hành khách (bao gồm cả VTHKCC bằng xe buýt, VTHK liên tỉnh và VTHK bằng taxi); việc thực hiện các dự án XDCB; công tác tổ chức giao thông và đảm bảo ATGT; công tác quản lý phương tiện và người lái; công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải...

Phân làn chống ùn tắc

Trong năm 2009 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố tiến hành cuộc “cách mạng trong giao thông” mà cụ thể là sắp xếp, tổ chức lại giao thông trên một loạt các tuyến, nút có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, bổ sung biển báo... qua đó góp giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, giải pháp “bịt ngã tư” được chọn thực tế chỉ là một giải pháp tình thế được áp dụng với các ngã tư mà đèn tín hiệu không còn phát huy tác dụng khi lưu lượng tham gia giao thông tăng quá cao. Ông Hùng cũng cho biết, Hà Nội đã lên kế hoạch làm tiếp 18 điểm nút, trước mắt đã đưa ra lấy ý kiến của các nhà khoa học và người dân, ông Hùng cũng tiết lộ rằng qua một tháng trưng cầu ý kiến, Sở chỉ nhận được duy nhất một ý kiến phản hồi.

Đánh giá cao những nỗ lực của Sở GTVT Hà Nội trong việc tổ chức giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo Sở trong thời gian tới cần đánh giá lại hiệu quả các phương án “bịt ngã tư”, tiếp tục tổ chức lại các điểm, nút chưa hợp lý sau một thời gian thực hiện. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng gợi ý Hà Nội không nên quá lạm dụng giải pháp “bịt ngã tư” mà nên sử dụng đèn 3 pha để tổ chức, điều tiết giao thông.

Bàn về công tác tổ chức giao thông tại Hà Nội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tỏ rõ quan điểm ủng hộ phương án tách làn giao thông. Bộ trưởng nhấn mạnh: Phân làn giao thông là giải pháp quan trọng tạo nên bộ mặt mới văn minh hơn cho giao thông đô thị.

Chỉ có phân làn giao thông mới có thể xoá đi sự hỗn độn của giao thông Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên cả nước nói chung, qua đó góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng hứa sẽ hết sức giúp Hà Nội trong việc phân làn phương tiện tại một số tuyến đường, nhất là một số tuyến đủ điều kiện như vành đai 3, Giảng Võ, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Thăng Long - Nội Bài... Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị liên quan khi thiết kế, thi công các tuyến đường mới cũng phải tính toán từ đầu các yếu tố kỹ thuật đảm bảo thuận lợi việc tách làn phương tiện.

Xiết chặt hoạt động taxi

Hoạt động vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội phát triển quá nóng, quá ồ ạt, cung vượt quá cầu, do đó chưa đảm bảo được chất lượng dịch vụ là quan điểm chung của cả Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội được đưa ra tại buổi làm việc này.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 109 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi với 12.103 xe taxi đang hoạt động. Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, việc quản lý hoạt động thời gian qua còn nhiều bất cập do thiếu chế tài xử lý.

Tình trạng dừng đỗ bất hợp lý của taxi gây ách tắc giao thông còn khá phổ biến. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh bức xúc: Chẳng nơi nào mà doanh nghiệp kinh doanh taxi lại nhiều như Hà Nội. Chỉ vài ba xe cũng thành một hãng, một doanh nghiệp.

Cũng theo ông Linh, đã đến lúc cần hạn chế số lượng taxi, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ. Cung taxi phải thật cân đối với nhu cầu của khách. Được biết, hiện tại, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng các quy định về quản lý vận tải hành khách bằng taxi để triển khai áp dụng trong thời gian tới.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã đánh giá cao hoạt động của Sở GTVT Hà Nội trong năm 2009 trên tất cả các mặt từ xây dựng hạ tầng, tổ chức giao thông, đảm bảo TTATGT, kiềm chế tai nạn...

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh GTVT của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn là vấn đề vô cùng bức xúc, trong đó sự yếu kém của hạ tầng giao thông là rào cản lớn nhất trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng thừa nhận thời gian qua, Bộ GTVT mới chỉ hạn chế bớt được sự phức tạp của giao thông chứ chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác quy hoạch giao thông, tăng cường công tác tổ chức vận tải và tổ chức giao thông, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông...