Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để hàng không Việt Nam cất cánh

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy năm gần đây, ngành hàng không Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, không chỉ có hãng hàng không quốc gia mà nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đầu tư vào lĩnh vực này.

Sự tăng trưởng của ngành hàng không đã phần nào đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, song cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với hạ tầng vận tải, an ninh, văn hóa... 
 Các đại biểu tại buổi Tọa đàm.

Tại buổi Toạ đàm “Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/5, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp.

Tăng trưởng nhanh, dư địa còn nhiều

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, vận tải hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong những quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Trong 10 năm từ 2008 – 2018, tổng số tàu bay của Việt Nam đã tăng từ 60 lên 192 tàu. Nếu như trước đây chỉ có Vietnam Airlines thì đến nay đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Hiện tại, Việt Nam có 5 hãng hàng không nội địa đang hoạt động gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air, Air Mekong và Bamboo Airways. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

 TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu.

Theo nhận định của các chuyên gia, hàng không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, những năm gần đây, ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8 - 7%/năm. Tính cạnh tranh của thị trường càng cao thì chất lượng dịch vụ sẽ càng tốt hơn, vì dần loại bỏ được sự áp đặt từ phía nhà vận chuyển. Thời gian vừa qua, nhiều hãng hàng không đã tăng tiện ích cho hành khách, thậm chí thị trường đang trong giai đoạn phát triển nóng.
Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Còn ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Với dự báo như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Với nhu cầu lớn như vậy, trong khi các hãng bay do nhà nước quản lý không được lập mới thì sự ra đời của các hãng bay tư nhân là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân trong việc lựa chọn phương tiện đi lại.
Hạ tầng chưa tương xứng
TS Vũ Tiến Lộc nhận định, việc tăng trưởng nóng đã khiến ngành hàng không phải đối mặt với nhiều thách thức như: Quá tải về hạ tầng sân bay, bến đỗ; an ninh trên các chuyến bay...
 Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airline trao đổi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airline cho rằng, thị trường vận tải hàng không sẽ bùng nổ, tuy nhiên không bất ngờ. Ông Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không giai đoạn nửa cuối năm 2018 là 9% và quý I năm 2019 xấp xỉ 7%. “Với mức tăng trưởng này, chúng ta cần đặt câu hỏi, sự tăng trưởng này do đâu? Do hạ tầng giao thông quá tải hay do sự bùng nổ tất yếu của giai đoạn phát triển khách đường bộ chuyển sang máy bay?” – ông Minh nói. Vấn đề tiếp theo là yếu tố an toàn và an ninh; cụ thể, giữa đơn vị cung ứng và đơn vị giám sát. 
Ở góc độ nhà nghiên cứu, PGS TS Nguyễn Thị Phương, Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển hàng không là cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống cảng, hệ thống tàu bay và kiểm soát không lưu. Trong đó, sân bay trung chuyển là yếu tố quan trọng để mở rộng vị thế ngành vận tải hàng không của Việt Nam. Nếu có những chính sách phát triển đầu tư các sân bay có tầm cỡ để trở thành sân bay trung chuyển cho hàng không của khu vực thì ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội – Phó Ban dân nguyện của Quốc hội cho rằng, để phát triển toàn diện ngành hàng không, không chỉ đơn thuần chú trọng vào cơ sở hạ tầng mà còn là văn hoá hàng không, đội ngũ bay… Theo ông Nhưỡng, hiện nay ngành hàng không Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính dịch vụ, chưa phải là sản xuất, vì vậy phải đánh giá một cách toàn diện vai trò vị trí và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế. 
Theo đại diện ngành hàng không, trong tầm nhìn phát triển trong giai đoạn 2020 định hướng 2030 của ngành hàng không có định hướng, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng. Để thị trường hàng không phát triển thì trước tiên phải mở cửa tư duy. Cùng với đó là chính sách, tạo áp lực cạnh tranh để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong thị trường hàng không.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội – Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, nhu cầu phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới là tất yếu, mặc dù còn nhiều thách thức. Vì vậy, để duy trì được sự phát triển bền vững, của ngành, ông Nhưỡng cho rằng, đầu tiên, cần một thể chế đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, tạo sự thông thoáng, sân chơi “hay” và trong đó luật chơi phải tiếp cận quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung. Ví dụ, quy hoạch vùng trời, đường bay…
Hai là, cần sự đối xử bình đẳng từ nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tâm lý “con đẻ con nuôi”. Ba là, phải phân biệt giữa kinh doanh và phục vụ. Cụ thể, nên tách bạch hoạt động kinh doanh và phục vụ của Việt Nam Airlines. Bốn là, chú ý đến an toàn và an ninh quốc gia, làm thế nào tách sân bay quân sự và dân sự. Năm là, trong mọi tình huống việc xây dựng môi trường văn hoá trong thị trường hàng không là rất quan trọng, đây là bộ mặt quốc gia, thương hiệu quốc gia về phát triển kinh tế. 

“Hàng không đang tắc nghẽn cục bộ mà điển hình là Cảng hàng không Tân Sân Nhất dẫn đến tắc nghẽn ở các cảng hàng không khác (vì phải có điểm đi - điểm đến). Chủ trương “giải cứu” đã có 3 năm mà vẫn chưa quyết cho ai làm chủ đầu tư. Chỉ thông qua chủ trương đầu tư - ai trình và trình ai cũng rất khó giải đáp rồi. Tắc nghẽn ở quy trình, thủ tục hành chính. Chúng tôi là doanh nghiệp được giao có trách nhiệm cải tạo mở rộng cảng hàng không. Năng lực có, chuyên môn có, tài chính có, đúng thẩm quyền có nhưng chưa được giao thì chưa thể thực hiện được" - Ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.


“Về pháp luật cạnh tranh trong hàng không, tôi khẳng định là không có độc quyền. Về sân bay, hiện nay có 22 sân bay, mới đây có thêm sân bay Vân Đồn. Từ đó có thể mở cửa thêm nhiều cho nhà đầu tư vào sân bay cũng như hạ tầng đường sá”. - Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.