Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để hiện thực hóa những “giấc mơ” nhà ở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù còn không ít khó khăn, nhưng với nhiều chính sách, cơ chế được ban hành thời gian qua cũng như các giải pháp sắp tới, “gánh nặng” về nhà ở trên vai những người thu nhập thấp … sẽ nhẹ bớt.

KTĐT - Dù còn không ít khó khăn, nhưng với nhiều chính sách, cơ chế được ban hành thời gian qua cũng như các giải pháp sắp tới, “gánh nặng” về nhà ở trên vai những người thu nhập thấp … sẽ nhẹ bớt.

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các KCN tập trung và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị.  Có thể nói, cơ chế để phát triển các loại nhà ở xã hội đã mở hết cửa, nhưng các DN vẫn cho rằng vẫn chưa đủ để thu hút nhà đầu tư. 

Ngày 20/4/2009, Chính phủ đã có Nghị quyết số 18/NQ-CP định hướng cho công tác phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quyết định số 65, 66 và 67 để triển khai. Quyết định 65 xác định nhà ở cho sinh viên sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư. Quyết định 66 quy định về điệu kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Quyết định 67 quy định ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Cụ thể, DN sẽ được giảm thuế VAT từ 10 xuống còn 5%; miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất.

Địa phương phải công khai quỹ đất

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhà ở cho công nhân, sinh viên phụ thuộc vào 2 vấn đề, đó là đất và vốn. Trong đó, quỹ đất phụ thuộc vào công tác quy hoạch, chỉ có các địa phương mới biết được chỗ nào là đất 20% dành cho xây dựng nhà ở xã hội để từ đó kêu gọi thu hút đầu tư. Một vấn đề mà nhiều chủ đầu tư quan tâm khi triển khai các dự án nhà ở xã hội là quỹ đất, hiện đã được cụ thể hoá tại Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ.

Tại hội thảo "Giải pháp phát triển nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp và nhà thu nhập thấp" do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) phối hợp với Bộ Xây dựng... tổ chức vừa diễn ra ngày 6/11,luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2015, 60% sinh viên, 50% công nhân có nhà ở theo Nghị quyết 18, các địa phương cần phải minh bạch, công khai quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp.

Cần cơ chế thoáng  hơn

Hiện các chính sách cho nhà ở xã hội đã được khuyến khích như miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế…, nhưng một số DN cho rằng vẫn chưa đủ để kêu gọi DN tham gia chương trình. “Để giải quyết bài toán này một cách căn cơ, miễn giảm thuế thì tốt nhưng cái DN chúng tôi cần nhất là cơ chế thoáng, quy định thủ tục nhanh gọn”, ông Nguyễn Phụng Thiều, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn - Gia Định, cho biết. Ông kiến nghị nên giảm thuế trực tiếp cho người thụ hưởng như miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế VAT, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp… 

Tuy nhiên, để các ưu đãi, khuyến khích này phát huy hiệu quả thì thực sự cần “bàn tay” kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề này đã “nóng” lên cả trong Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10 vừa qua cũng như tại các phiên thảo luận kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đang diễn ra với nỗi lo việc nhà ở xã hội bị “biến tướng” khi Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy  ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, do năng lực quản lý hiện nay còn hạn chế  nên việc kiểm soát giá mua, bán nhà thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy, cho dù Nhà nước có áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành thì chưa chắc giá bán, giá thuê sẽ giảm…

Trong khi đó, một số DN nhận xét rằng những gì nhà nước ưu đãi, doanh nghiệp không thể đưa vào giá thành và giá bán là do địa phương quyết định.

Doanh nghiệp bị khống chế giá bán, giá cho thuê và đối tượng thuê, mua… nên rất dễ bị thua lỗ nếu không thể cho thuê hoặc bán hết nhà theo kế hoạch dự kiến.

Có thể áp dụng hình thức cho thuê

Hồi cuối tháng 8 năm nay, cũng tại mộ hội thảo về nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế, xã hội và xây dựng góp ý, đã là dự án nhà ở xã hội, các dự án này được Nhà nước ưu đãi về quỹ đất, vốn mà đất đai là của dân, vốn đầu tư xây dựng cũng là của dân, sản phẩm của nó đã mang tính cộng đồng rất cao.

Vì thế, nhà ở từ các dự án nhà ở xã hội không nên đưa ra bán mà chỉ cho thuê. Nhà nước cần có chính sách quản lý nhà cho thuê và cho người có nhu cầu thuê thực sự một cách chặt chẽ, coi nó như là pháp lệnh, tránh tình trạng đầu cơ nhà cho thuê để kiếm lợi bất chính.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội (Viện KT-XH Hà Nội), TS Nguyễn Đình Dương, cho rằng cần nhìn nhận vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp trên mối quan hệ tổng thể với chính sách phân phối thu nhập, tiền lương và việc làm mà không nên nhìn nhận đơn giản chỉ là nhu cầu chỗ ở.

Thu nhập bình quân theo đầu người ở Hà Nội chỉ vào khoảng 10-15 triệu đồng/năm, trong khi giá nhà ở thấp nhất hiện cũng từ 300-400 triệu đồng/căn diện tích 50m2 (khoảng 6-8 triệu đồng/m2). Giá nhà ở tại Hà Nội gấp 25-30 lần thu nhập bình quân đầu người/năm và một người làm việc trong 25-30 năm, với điều kiện không tiêu dùng mới đủ tiền mua một căn nhà. Do vậy, phương án bán nhà cho nhóm thu nhập thấp là rất khó khả thi mà nên hình thành thị trường nhà cho thuê, ông Dương nói.

Theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người thu nhập thấp, sinh viên, các đô thị cần xây dựng nhà ở cho thuê với mức giá chấp nhận được với số đông người lao động hiện nay. Theo đó, giá thuê một năm nên vào khoảng 1/40-1/20 giá thành. Tại nhiều nước, tỉ lệ này là 1/28. Giá cho thuê năm vào khoảng 1/40 giá thành thì người thu nhập thấp có thể chấp nhận được (ước tính vào khoảng 15% thu nhập hằng tháng).