Để không lãng phí nguồn lực

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ngân sách Nhà nước như dòng sông cạn nước nhưng các quỹ như hồ lớn, hồ nhỏ xung quanh vẫn còn giữ nước lại”, đó là hình ảnh được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lên để chỉ ra thực trạng có quá nhiều loại quỹ tài chính ngoài ngân sách, làm phân tán nguồn lực Nhà nước.

Đây cũng không phải lần đầu tiên những bất cập trong quản lý, vận hành, hiệu quả của các quỹ này được chỉ ra nhưng thực tiễn vẫn chưa giải quyết hết được các lỗ hổng.
Thống kê sơ bộ, mỗi địa phương có từ 10 - 15 loại quỹ, được hình thành từ cơ sở pháp lý khác nhau. Hiện có hơn 100 văn bản cho phép thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động của các quỹ. Điều này dẫn đến cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, mô hình hoạt động cũng rất khác nhau, nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả, tình trạng lãng phí là không tránh khỏi.
Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng các cơ quan soạn thảo thường tranh thủ cài cắm việc thành lập các quỹ tài chính trong các dự án luật chuyên ngành. Nhiều đề xuất đã bị các đại biểu gạt ngay trên bàn nghị sự nhưng đề xuất được chấp nhận cũng khá nhiều bởi lý lẽ thuyết trình cho việc thành lập quỹ cho thấy tính cấp thiết thực sự. Nhưng từ cấp thiết khi hoạch định chính sách đến việc quản lý, sử dụng trên thực tế có hiệu quả hay không lại là câu chuyện khác, nhất là khi cơ chế giám sát đối với các quỹ này phần lớn còn rất hạn chế.
Mục đích của các quỹ ngoài ngân sách sinh ra là để dùng vốn ngân sách làm “vốn mồi”, từ đó huy động nguồn lực xã hội. Nhưng thực tế, việc huy động, thu hút các nguồn lực rất hạn chế, một số quỹ về cơ bản được hình thành từ nguồn ngân sách cấp. Trong khi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, từ năm ngân sách 2017, ngân sách không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Từ thực tiễn, đoàn giám sát đã đề nghị bãi bỏ ngay 6 loại quỹ Nhà nước ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư, Quỹ phòng chống thiên tai. Đề xuất này nhận được sự đồng tình. Bởi như Quỹ bảo trì đường bộ, hiện toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hàng năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thông tin, Quỹ này tuy có trong luật, nhưng 5 năm qua không còn tồn tại vì đã đưa vào ngân sách. Hay với Quỹ Phòng chống thiên tai, các ý kiến cũng chỉ ra thực trạng hiệu quả không đáng kể, đặc biệt là “chi rất ít”. Bởi cứ thiên tai xảy ra là các cơ quan, DN, tổ chức đoàn thể lại đóng góp, rồi ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, dự phòng bỏ ra, việc tồn tại Quỹ này đúng là phải xem lại.
Như kiến nghị của VCCI cách đây không lâu, trong 5 năm Quỹ này thu được 2.360 tỷ đồng nhưng chi 918 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 39%, tức là hiện đang có 1.442 tỷ đồng, đáng lý ra phải được sử dụng trong nền kinh tế, lại đang bị đóng băng trong Quỹ, đó chính sự lãng phí nguồn lực.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết đánh giá thực trạng ở các quỹ và yêu cầu Chính phủ rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch sắp xếp, cương quyết loại bỏ quỹ có tên nhưng không quan trọng, kém hiệu quả; xem xét lại các quỹ thu nhiều nhưng chi rất ít, để tồn kết dư lớn, được coi là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đồng thời rất cần ban hành một văn bản pháp luật về quản lý quỹ, chấm dứt tư tưởng cứ mỗi khi ban hành một luật, lại cho ra đời một quỹ để “thu” nhưng “chi” không hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần