Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị các địa phương khẩn trương chống dịch sốt xuất huyết

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018, trong đó 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế nhận định, SXH đã vào mùa cao điểm, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, TP và sẽ tiếp tục gia tăng, có thể bùng phát trên diện rộng. Vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục có công văn đề nghị các địa phương cần quyết liệt thực hiện 7 nội dung, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
 Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet.
Thứ nhất, đề nghị UBND các cấp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hoạt động diệt bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7 với tuần suất 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Các tỉnh cần huy động ban, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội… vận động người dân, các đoàn viên, hội viên tích cực diệt bọ gậy đồng thời thường xuyên đánh giá hiệu quả, khó khăn vướng mắc để có chỉ đạo kịp thời.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống SXH, tập trung thông tin tới người dân về các biện pháp diệt bọ gậy, mắc màn khi ngủ, chống muỗi đốt và phối hợp với cơ quan y tế phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình.
Thứ ba, yêu cầu ngành y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và ổ dịch phát sinh để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, xử lý tận gốc, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài; đồng thời, kiện toàn, duy trì hoạt động thường xuyên đội ngũ cộng tác viên phòng chống SXH.
Thứ tư, các cơ sở khám, chữa bệnh tích cực điều trị bệnh nhân; hạn chế các trường hợp tử vong do SXH; tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị, chuyển tuyến kịp thời dẫn đến tình trạng khi nhập viện thì đã nặng, nguy cơ tử vong cao; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế quá tải bệnh viện.
Thứ năm, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị SXH.
Thứ sáu, đề nghị các tỉnh chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở Tài chính khẩn trương phê duyệt, cấp kinh phí cho hoạt động phòng, chống SXH tại địa phương để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn, đảm bảo thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Thứ bảy, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của chính quyền các cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của các UBND tỉnh, TP và xử phạt các hộ gia đình, các cơ sở, đơn vị vi phạm vệ sinh môi trường, để phát sinh bọ gậy truyền bệnh SXH.