Kinhtedothi - Ngày 19/1, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 34, thảo luận về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Trong đó, vấn đề tạm hoãn nghĩa vụ quân sự cho đối tượng là sinh viên (SV) đang đào tạo tại ĐH hệ chính quy vẫn còn nhiều quan điểm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, Dự Luật quy định tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự cho đối tượng là SV đang học chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với đối tượng này là không phù hợp với yêu cầu công dân phải bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc và học tập theo quy định của Hiến pháp. Đối tượng tạm hoãn quá rộng (khoảng gần 50% số thanh niên nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ) sẽ không khắc phục được những vướng mắc bất cập hiện nay về cơ cấu, chất lượng, thành phần công dân gọi nhập ngũ; nhiều công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, không thu hút được những người có trình độ học vấn cao vào phục vụ tại ngũ (tỷ lệ SV được gọi nhập ngũ hiện chỉ khoảng 0,5%). Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho SV, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn thì cần có quy định một số hình thức để SV, học viên có trình độ đào tạo từ ĐH trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình cụ thể.
Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại tán thành với đề nghị quy định “tạm hoãn” này, lựa chọn thay thế nghĩa vụ quân sự bằng cách “tham gia chương trình thanh niên trí thức tình nguyện, thực hiện nghĩa vụ quân sự thông qua việc tham gia đào tạo sĩ quan dự bị; tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung 3 tháng tại các đơn vị quân đội hoặc trung tâm giáo dục quốc phòng” không nhận được sự đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nêu ý kiến: Số lượng SV theo học hệ ĐH chính quy không nhiều và việc tạo điều kiện cho các em theo học cũng nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, cần quy định rõ để tránh trường hợp lợi dụng để trốn nghĩa vụ quân sự. “Học ĐH 4 năm nhưng có thể lưu ban, ốm đau, cố tình để vượt tuổi nhập ngũ. Những trường đào tạo 6 năm thì thế nào? Các em lựa chọn học ĐH trước rồi mới đi nghĩa vụ quân sự, nhưng cần kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ để các em có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự” - ông Thi đặt vấn đề.
Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, mỗi năm có 7 - 8 triệu người trong độ tuổi nhập ngũ, nhưng trên thực tế, quân đội chỉ tuyển khoảng 100.000 người. Việc quy định SV tự đảm bảo kinh phí để tự học tập trung trong 3 tháng có thể công nhận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự là không khả thi vì trung tâm quốc phòng an ninh không đủ đảm bảo. Hơn nữa sẽ không công bằng giữa người có tiền và không có tiền. Do đó, Ban soạn thảo đề nghị hoãn đối với SV theo học ĐH hệ chính quy, vì “cứ tuyển” thì tư tưởng SV không yên tâm, không biết gọi khi nào. Có thể tạo ra kẽ hở trong quá trình tuyển quân. Số gọi thì rất ít nhưng quy định treo thì không nên. Có thể nghiên cứu kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ với đối tượng này đến 27 tuổi, quân đội cũng có nhu cầu có thể giữ lại người giỏi để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đồng ý tạm hoãn cho SV học hệ ĐH chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với đối tượng này. Các đối tượng khác độ tuổi vẫn là từ 18 - 25. Bỏ quy định SV tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung 3 tháng vì không khả thi. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được coi là hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình cho phù hợp với Hiến pháp.
Cùng ngày, UBTV Quốc hội cũng thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Luật Thú ý (sửa đổi) và việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội.
Các tân binh huyện Sóc Sơn lên đường làm nhiệm vụ trong đợt tuyển quân tháng 9/2014. Ảnh: Chiến Công
|
Cần quy định “hậu giám sát” Chiều 19/1, cho ý kiến về các vấn đề lớn của Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (Dự Luật do UBTV Quốc hội soạn thảo), nhiều thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, hiện nay, hiệu lực, hiệu quả, các chế tài kèm theo sau hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND vẫn chưa được rõ. Do đó, Dự Luật phải có những quy định để cơ quan bị giám sát phải lắng nghe ý kiến của đoàn giám sát, không nghe và thực hiện thì phải bị xử lý. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Dự Luật cần bổ sung các quy định đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của giám sát, cần bổ sung hậu quả pháp lý khi qua giám sát nhưng lại không được thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: Giám sát của ĐB Quốc hội, các đoàn ĐB Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cần lưu ý đến việc cuối cùng kiến nghị đi đến đâu. Không nên đưa ra những quy định mang tính hình thức, không làm rõ được quyền lực của người ĐB, cơ quan dân cử, Dự Luật phải trả lời được câu hỏi như giám sát cái gì, giám sát ai và giám sát để làm gì? |