Việc giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất là chính sách cam kết của tỉnh Hà Tây (cũ) khi thực hiện thu hồi đất. Sau khi sáp nhập về Hà Nội, TP cũng đã có sự chỉ đạo quyết liệt và chính quyền cấp huyện, xã cũng rất quyết tâm trong thực hiện. Nhiều giải pháp đã được triển khai, nhưng theo đánh giá của đoàn giám sát, tiến độ thực hiện tại các địa phương vẫn chậm. Theo thống kê của huyện Hoài Đức, tổng nhu cầu quỹ đất cần để giao cho người dân được hưởng chính sách đất dịch vụ trên địa bàn khoảng 115ha, với số hộ và cá nhân đủ điều kiện giao đất khoảng 11.000 hộ. Trong tổng số 41 dự án được quy hoạch để tạo quỹ đất dịch vụ đã được bố trí, với 224ha. Trong đó, có 21 dự án đã có quyết định thu hồi đất (trước tháng 8/2008) với diện tích 156ha, các dự án này đều đã thực hiện việc lập quy hoạch, dự án đầu tư, thu hồi đất và đến nay đã cơ bản GPMB xong. 20 dự án khác đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận (67,9ha), nhưng chưa thu hồi đất. Với số lượng dự án và quỹ đất như vậy, lãnh đạo huyện khẳng định, đất dịch vụ cơ bản đủ cho các hộ dân. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát quy hoạch sau khi sáp nhập để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô, bị ảnh hưởng chồng lấn các quy hoạch phân khu đô thị khoảng 27,5ha, trong đó một số nơi đã được cấp chỉ giới đường đỏ. Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết, huyện đã rà soát được khoảng 70ha đủ điều kiện giao đất từ cuối năm 2014 và trong quý II/2015 sẽ thực hiện giao xong cho 6 xã. Huyện đang chỉ đạo các xã khác đẩy nhanh tiến độ giải quyết một số tồn tại của các dự án đã có quyết định thu hồi đất như điều chỉnh quy hoạch, xây dựng hạ tầng… để đủ điều kiện hoàn thành việc giao cho các hộ dân trong năm 2015 với 21 dự án đã có quyết định thu hồi đất. Các dự án bổ sung (20 dự án), huyện đặt mục tiêu tổ chức giao đất cho người dân trong năm 2016. Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, huyện đã tích cực, bố trí đội ngũ cán bộ "chuyên" việc rà soát và thực hiện công tác giao đất dịch vụ cho các hộ dân. Kết quả đến nay dù được nhận định là khả quan, nhưng vẫn chưa đáp ứng tiến độ đặt ra. Ngoài việc chậm do quá trình xem xét các hộ đủ điều kiện được giao đất dịch vụ, vướng mắc do số lượng các hộ bị thu hồi vượt hạn mức 1.500m2 với diện tích bị thu hồi lớn. Cùng với đó, một khó khăn được lãnh đạo huyện đưa ra là kinh phí thực hiện GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật với 20 dự án bổ sung với tổng kinh phí khoảng 674 tỷ đồng. Huyện đề nghị TP xem xét cho ứng vốn trước mắt để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam đồng tình với kiến nghị của huyện là TP cần phải thành lập tổ công tác chuyên trách về việc giao đất dịch vụ cho người dân, để có thể "chuyên tâm" giải quyết các vấn đề phát sinh, gỡ vướng từ cơ sở, hoàn thành dứt điểm các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành phối hợp chặt với chính quyền địa phương để triển khai các công việc liên quan, tránh phát sinh khiếu kiện.