Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị xử lý hình sự nếu “băm nát” quy hoạch

Trọng Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án Luật Quy hoạch và Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ.

Tán thành với sự cần thiết ban hành hai dự luật, tuy nhiên các ĐB cũng đề nghị phải quy định chặt chẽ hơn, rõ trách nhiệm hơn và đảm bảo tính ổn định, lâu dài khi thực thi.
Tránh trục lợi chính sách
Thảo luận về Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng phải có thể chế chính sách quy định về phương thức hỗ trợ tạo cơ chế, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho DN. Việc hỗ trợ cũng cần có thời hạn, tránh hỗ trợ trực tiếp và đề xuất nên để các văn bản dưới luật quy định về các chính sách hỗ trợ. Xung quanh vấn đề này, ĐB Nguyễn Quốc Bình cho rằng: Dự Luật quy định chính sách hỗ trợ đồng đều như vậy sẽ không tạo động lực cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, có sản phẩm, đề án phát triển rõ ràng. “Tên Luật là hỗ trợ DN vừa và nhỏ, nhưng nếu hỗ trợ không có trọng tâm, trọng điểm mà thực hiện dàn trải thì hiệu quả rất thấp” - ĐB Nguyễn Quốc Bình nêu và đề nghị: Chính sách hỗ trợ vốn là quan trọng nhất, không nên hỗ trợ chính sách thuế, tránh để xảy ra tình trạng DN vừa và nhỏ thành lập ra để chuyển giá, trốn thuế và sau đó giải tán.
 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về một số Dự án luật, Nghị quyết.
Trong khi đó, ĐB Lê Quân (đoàn Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ theo Dự Luật, nhất là tác động đến ngân sách Nhà nước. Có ý kiến đề xuất, cùng với việc ban hành Luật này cần xem xét tổ chức bộ máy hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã phù hợp chưa và có nên hình thành Phòng Thương mại công nghiệp các địa phương.   
 ĐB Lâm Đình Thắng (đoàn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ tâm tư của DN: “Luật ghi hỗ trợ nhưng thực tiễn có phải xin cho hay không? Có thực tế là cơ chế hỗ trợ khi đi vào cuộc sống lại là cơ chế xin cho. Niềm tin của DN vì thế không hoàn toàn tuyệt đối”. ĐB Thắng đề nghị khi Dự Luật này được thông qua, phải đưa vào cuộc sống theo cách khác với hiện nay. Làm sao để tất cả các cộng đồng DN biết từng điều khoản cụ thể, tận dụng được quyền lợi của mình. “Đồng thời các cơ quan phải biết được nhiệm vụ để hỗ trợ DN, chứ không phải là ban hành theo cơ chế hành chính như bấy lâu nay” - ĐB Lâm Đình Thắng nói.
Làm quy hoạch rất cần một “nhạc trưởng”
Cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quy hoạch.  Nói về sự cần thiết của Dự Luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng. Thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011-2020 số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại (tăng gấp 6 lần).
Thảo luận tại đoàn Nghệ An, ĐB Phan Đình Trạc chia sẻ, ông lo ngại nhất là chất lượng và tính ổn định của quy hoạch, bên cạnh đó là tính tuân thủ quy hoạch để quy hoạch không bị thường xuyên điều chỉnh. "Quy hoạch phải đảm bảo tính chất lượng và ổn định nhưng cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Hôm nay giá cao su lên thì người dân thi nhau trồng cao su, hôm nay giá sắn xuống thì phá bỏ không trồng sẵn nữa... Vấn đề là người làm quy hoạch phải đảm bảo được chất lượng của quy hoạch, phải đảm bảo được sự ổn định, tính lâu dài" - ĐB Phan Đình Trạc nói. Đồng thời nhấn mạnh: Để quy hoạch có chất lượng thì bản thân người lập quy hoạch phải có trách nhiệm và có tầm tư duy, bên thẩm định phải chặt chẽ. Không phải là trình ra một tập hồ sơ dày không ai "soi" hết được, trình lên cấp trên ký rồi đến khi đi vào thực tế mới "vỡ lẽ" ra quy hoạch bất hợp lý, vướng ngược vướng xuôi.
Đưa ra quan điểm, nếu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản là nguồn lực quốc gia thì quy hoạch cũng phải chuyển hóa thành nguồn lực quốc gia, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng: "Như vậy phải được kiểm soát như là tài sản công. Tức là phải xử lý được trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể xây dựng ra những sản phẩm quy hoạch không tốt, gây hại cho nền kinh tế. Nếu có quy hoạch tốt rồi nhưng lại để diễn ra tình trạng băm nát, thậm chí lợi ích nhóm lái quy hoạch, hay là điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện thì phải có những chế tài. Điều này cần phải được xem xét xử lý như là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hại cho nền kinh tế...".
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng về mặt làm quy hoạch cũng cần có một “nhạc trưởng” để điều hành thống nhất. Tránh tình trạng quy hoạch băm nát, cái sau phủ cái trước, cái dưới phủ cái trên. “Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020, dự kiến cả nước sẽ đổ 8.000 tỷ đồng để xây dựng 19.250 quy hoạch. Nói như vậy để thấy rằng số lượng quy hoạch lớn, chất lượng kém, quy hoạch sau phủ quy hoạch trước, quy hoạch cấp dưới phủ quy hoạch cấp trên” - ĐB Nguyễn Phi Thường nêu.
Cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe, thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và Dự án Luật Cảnh vệ.