Đề nghị xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chậm di dời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/8, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội tiếp tục khảo sát tình hình, kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại quận Hai Bà Trưng.

Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn quận có 41 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường hoặc không đúng quy hoạch chung phải di dời. Đây là số liệu được thống kê từ những năm trước và chưa bao quát hết các cơ sở thuộc 17 ngành nghề gây ô nhiễm phải di dời hoặc không phù hợp với quy hoạch chung. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, chính quyền và Nhân dân quận rất đồng thuận với chủ trương di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa đạt như mong muốn. Đến nay, trên địa bàn quận mới thực hiện di dời được 14 cơ sở như Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Rượu Hà Nội, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy May Thăng Long... Hiện đang thực hiện di dời Tổng Công ty Thương mại, Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu, Tổng Công ty Dệt Phong Phú, Công ty Dược phẩm T.Ư 2…

Lãnh đạo quận cho rằng, trong quá trình di dời nảy sinh không ít khó khăn, kể cả việc bàn giao và sử dụng quỹ đất. Bởi vậy, lãnh đạo UBND quận kiến nghị TP  sớm có hướng dẫn việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm sử dụng đất, chậm di dời; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi DN di dời, TP sớm bố trí đất để xây dựng các công trình mà địa phương đang thiếu như trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan hành chính, công an phường…

Đoàn khảo sát cũng đề nghị quận cùng với việc đề xuất phương án sử dụng hiệu quả quỹ đất của các cơ sở sau khi di dời, cần phối hợp với các sở, ngành tiếp tục rà soát các cơ sở cần di dời trên cơ sở tiêu chí là 17 ngành nghề gây ô nhiễm và quy hoạch phân khu. Từ đó lập danh mục chính xác, đề xuất lộ trình, giải pháp sử dụng đất và hỗ trợ DN có phương án di dời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần