Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề phòng lũ quét do bão số 2 gây ra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (19/7), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp Văn phòng...

Kinhtedothi - Sáng nay (19/7), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư để nhận định diễn biến tiếp theo của bão số 2 và công tác ứng phó bão sau khi bão đổ bộ vào đất liền.

Cập nhật thông tin mới nhất diễn biến của cơn bão số 2, ông Hoàng Đức Cường - Quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng T.Ư cho biết, bão số 2 đã đổ bộ lên đất liền địa phận tỉnh Quảng Ninh. Tâm bão đi vào gần TP Móng Cái, cường độ cấp 12, 13. Trong vòng khoảng 2-3 tiếng nữa, gió tại khu vực này tiếp tục mạnh lên cấp 10-12. Ông Cường cảnh báo: Theo mô hình dự báo, bão số 2 sau khi đổ bộ tiếp tục đi sâu vào đất liền với cường độ mạnh. Các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, nhất là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái cần đặc biệt đề phòng lũ ống lũ quét, bởi bão vẫn ở cấp 7 và cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Đề phòng lũ quét do bão số 2 gây ra - Ảnh 1
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư nhận định, công tác quan trọng nhất trong hôm nay là thông báo kịp thời về diễn biến mới nhất của bão cho các tỉnh miền núi phía Bắc để chính quyền và người dân các địa phương không chủ quan, lơ là chủ động ứng phó. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tiếp tục rà soát có kế hoạch sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Triển khai công tác ứng phó bão số 2, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Biên phòng, các tỉnh, TP tuyến biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương, khẩn trương kêu gọi số người đang ở trên các phương tiện neo đậu tại bến, lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản lên bờ trú, tránh bão, kiên quyết không để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em. Các tỉnh biên giới phía Bắc tham gia di dời, sơ tán các hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn. Duy trì 17.725 cán bộ chiến sĩ với 705 phương tiện thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tính đến 5h30 ngày 19/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 75.086 tàu, thuyền, lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/249.081 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Cụ thể, neo đậu tại bến từ Quảng Ninh đến Nam Định là 12.704 tàu với 40.052 người; neo đậu, hoạt động ven bờ từ Ninh Bình đến Quảng Bình: 19.023 tàu/76.132 lao động. Ngoài ra, có 11.763 lồng bè, lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản/15.789 người của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa được di dời vào nơi trú tránh an toàn.

Về tình hình sơ tán dân, ở các tỉnh ven biển, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, kết quả sơ tán dân tính đến 18h ngày 18/7 là 7.469 hộ/28.257 người. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh: 3.478 hộ/13.335 người; TP Hải Phòng: 1.188 hộ/10.409 người; tỉnh Thái Bình: 2.803 hộ/4.513 người.
Đề phòng lũ quét do bão số 2 gây ra - Ảnh 2
Giúp đỡ người dân đến tránh trú bão số 2. Ảnh Báo Quảng Ninh
Các tỉnh miền núi phía Bắc đã rà soát và có kế hoạch di dời dân cư tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối. Tổng số di dời dân theo kế hoạch là 18.546 hộ/25.705 người. Tính đến sáng nay, tổng số đã di dời: 324 hộ/604 người.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát đã dẫn đầu 2 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác ứng phó với bão tại các địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng.

Về tình hình hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình (Tổng cục Thủy lợi), đến ngày 18/7, các hồ chứa vừa và lớn mực nước đang ở mức thấp, đạt khoảng 50% dung tích thiết kế. Các hồ chứa nhỏ hầu hết đạt 45-70% dung tích thiết kế, một số hồ chứa nhỏ của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đã đạt trên 80% dung tích thiết kế như các hồ: Nà Tấc, Nước Hai, Phú Xuyên, Khe Chão, Khe Sàng, Hàm Rồng, Trại Muối, Vĩnh Thành. Các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn đã được địa phương chủ động tích nước thấp, xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho công trình, tổ chức kiểm tra và theo dõi thường xuyên diễn biến mực nước, hiện trạng công trình. Các hồ chứa đang được sửa chữa, nâng cấp đến nay đều đảm bảo cao trình chống lũ và các công trình này đều có phương án phòng chống lụt bão.