Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề tài chiến tranh vẫn “hút” cây viết trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/1, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức trong ...

Kinhtedothi - Sáng 6/1, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức trong hai năm 2013 – 2014 đã được trao cho các tác giả. Phải nói rằng, chiến tranh vẫn là đề tài hấp dẫn thôi thúc người viết trẻ khi phần lớn cây bút đoạt giải “dấn thân” vào mảng đề tài khó này.

 Từ hàng trăm truyện ngắn gửi về, Ban Tổ chức đã chọn và giới thiệu 117 truyện ngắn in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong hai năm. Nhà văn Nguyễn Đình Tú - Phó Tổng Biên tập, ủy viên Ban chung khảo cho biết, cụm đề tài về chiến tranh cách mạng và chiến sĩ hôm nay chiếm số lượng nhiều nhất. “So với các cuộc thi lần trước, mảng đề tài chiến tranh cách mạng đã có sự mở rộng về biên độ, ngoài những tác phẩm khai thác trực diện hoặc chú tâm vào những câu chuyện thời hậu chiến liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, số lượng những sáng tác đề cập cuộc chiến tranh biên giới cũng nhiều hơn, mới mẻ và ấn tượng hơn” - Nguyễn Đình Tú chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Hòa nhận giải Nhất cuộc thi truyện ngắn về đề tài chiến tranh.
Chị Nguyễn Thị Kim Hòa nhận giải Nhất cuộc thi truyện ngắn về đề tài chiến tranh.
Các cây viết vẫn khai thác những góc khuất ám ảnh hay dư chấn liên không gian - thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ qua những thân phận ít nhiều đã không còn mới đối với văn học nói chung. Có thể kể những tác phẩm như “Giấc mơ đá vỡ”, “Đỉnh khói” (Nguyễn Thị Kim Hòa), “Nửa ngày chiến tranh” (Dương Đức Khánh), “Người đi tìm chiến tranh” (Vũ Thanh Lịch).

Bên cạnh đó, nhiều tác giả hướng tác phẩm tới các cuộc chiến tranh xảy ra gần đây hơn, những câu chuyện xảy ra ở mặt trận ít người nhắc đến như Lào, Campuchia, hoặc biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam. Trong số này có tác phẩm được Ban chung khảo đánh giá cao như “Chuyện Nguyên Phong”, “Âm thanh của ký ức” (Doãn Dũng). Nhiều truyện chạm đến sự vô nghĩa của chiến tranh, ấm áp bao dung của tình người, tinh thần người Việt trong cuộc can qua khói lửa. Chia sẻ về tác phẩm của những người trẻ dự thi, nhà văn Chu Lai không giấu sự vui mừng: “Các cây bút trẻ đã triển khai một thi pháp khá mới mẻ, táo bạo và giàu tính bứt phá. Mô tả người lính, họ không chỉ dừng lại ở mô tả con người và hệ thống sự kiện con người ấy tham gia mà họ đã biết cách đẩy sâu tính cách, tâm lý nhân vật vào một vùng chiêm nghiệm chân thực. Tức là họ đã vượt qua cái vỏ bên ngoài để đi thẳng vào cái ruột bên trong đậm tính nhân tình thế thái, nỗi niềm trắc ẩn, buồn vui khe khẽ để tạo nên những số phận bình dị và chân thực, mà với văn chương, sự chân thực lại là điều cốt lõi để khiến nó mang được tính truyền cảm thẩm mỹ”.

Giải Nhất thuộc về cô giáo trẻ ở Ninh Thuận Nguyễn Thị Kim Hòa với 3 truyện ngắn “Hương thôn dã”, “Đỉnh khói”, “Thôi mùa cỏ cháy”. Hai giải Nhì thuộc về Doãn Dũng và Đinh Phương. 3 giải Ba được trao cho Hồ Kiên Giang, Tống Ngọc Hân, Trịnh Sơn cùng với 5 giải Tư. Ngoài ra, Quỹ Nhà văn Lê Lựu còn trao giải chùm truyện ngắn hay nhất về đề tài phụ nữ hậu chiến cho nhà văn Phong Điệp với “Chuyến đêm”, “Mẹ, con và trần thế”. Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội bao năm vẫn là một thương hiệu quý của làng văn mà cả người viết lẫn công chúng đều chờ đợi. Năm nay cũng vậy và người ta không thất vọng với những giải thưởng đã được trao.