Đề Văn thú vị
Theo nhận xét của nhiều TS, đề thi môn Văn nằm trong chương trình đã học, không có câu nào quá khó. Đặc biệt, nhiều TS khi được hỏi cho biết rất có hứng thú với câu nghị luận số 2 (3 điểm) yêu cầu viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ của mình về hành động dũng cảm cứu 5 em học sinh thoát chết của học sinh Nguyễn Văn Nam, lớp 12T7, trường THPT Đô Lương I (Nghệ An).
Các thí sinh trao đổi trước khi vào phòng thi môn Ngữ văn tại Hội đồng thi trường THPT Thăng Long, Hà Nội.Ảnh: Thanh Hải
Em Đàm Vỹ Linh, trường THPT Kim Liên chia sẻ: "Câu 1 không khó khi hỏi về thái độ của bà mẹ Hạ Du trong truyện ngắn "Thuốc" của nhà văn Lỗ Tấn khi ra thăm mộ con thấy vòng hoa trên mộ cũng như ý nghĩa của vòng hoa. Câu tự luận số 1 cũng không khó vì đã được học khá kỹ, em chọn đề về nhân vật Mỵ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. Nhưng câu số 2 thì bất ngờ với nhiều bạn". Tương tự, Nguyễn Thọ Trí Đức, trường THPT Phương Nam phấn khởi cho biết, đề thi năm nay không khó và em rất thích câu nghị luận số 2. "Đây là câu hỏi rất hay, mang tính thời sự, đặc biệt đề "đánh" trúng vào ý thức, đạo đức, cách hành xử của học sinh đang được cho là có "vấn đề" đối với bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay. Em thấy đây là cách giáo dục ý thức học sinh hiệu quả". Không ít TS đã hoàn thành bài thi trước khi hết giờ làm bài, có em còn "dư" tới 30 phút.
Theo đánh giá của giáo viên, đề thi môn Ngữ văn hay, phù hợp với học sinh lớp 12. Cô Phạm Thị Thu Hiền, giáo viên dạy Văn, trường THPT Trần Nhân Tông nhận xét: "Đề thi đảm bảo tính toàn diện, kiến thức cơ bản. Phần văn học bao quát đủ cả phần văn học nước ngoài ở câu 2 điểm. Câu 5 điểm bao quát cả hai mảng thơ và văn xuôi. Phần nâng cao, phân tích đoạn thơ "Đất nước" đòi hỏi sự cảm thụ về văn học, phù hợp với học sinh học ban nâng cao. Câu nghị luận 3 điểm là đề mở rất gần gũi với học sinh, với đời sống xã hội, kích thích sự sáng tạo cho TS khi làm bài, thiết thực trong việc giáo dục học sinh. Khi học trong chương trình, dạng bài nghị luận đời sống, các em đã được học, được đề cập đến như thế nào là sống đẹp".
Học sinh ban A dễ đạt điểm 9 - 10 môn Hóa
Kết thúc giờ thi môn Hóa học buổi chiều, nhiều TS hồ hởi nhận xét, 40 câu hỏi của đề thi trắc nghiệm môn Hóa dễ. Mai Thanh Trà, thi tại điểm trường THPT Hoàng Cầu cho biết: "Học sinh trung bình cũng phải làm được ít nhất 65 - 70% bài thi. Đề thi năm nay dễ, phù hợp với lực học của học sinh, nên các bạn làm bài thi nhẹ nhàng và rất nghiêm túc". Phạm Thái Liên Linh, trường THPT Kim Liên, cũng làm được 70% bài thi dù theo khối D.
Các thí sinh trao đổi cách giải sau bài thi môn Hóa học tại Hội đồng thi trường THPT Nhân Chính.Ảnh: Trần Oanh
Về đề thi môn Hóa, thầy Hoàng Sa, giáo viên dạy Hóa, trường THPT Einstein nhận xét: "Đề thi tốt nghiệp năm nay nhìn chung đều nằm trong nội dung lớp 12 với kiến thức khá bao quát từ học kỳ I sang học kỳ II. Phần lý thuyết chiếm 70% tổng số câu hỏi, trong đó 1/3 kiến thức yêu cầu TS học thuộc. Số còn lại TS phải hiểu và vận dụng kiến thức mới trả lời đúng được. 30% bài tập còn lại rất đơn giản, không đòi hỏi phải tính toán nhiều". Theo thầy Sa, với đề tốt nghiệp THPT môn hóa, học sinh học lực trung bình có thể đạt 6 - 7 điểm, khá giỏi đạt điểm 9 và 10. Dẫu vậy, thầy Lê Xuân Toàn, giáo viên dạy Hóa trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín) cho rằng, đề thi này chưa đáp ứng được khả năng phân loại học sinh.
Hôm nay (3/6), TS sẽ thi môn Địa lý (90 phút), và môn Sinh học (60 phút).
"Đề Văn cơ bản vừa sức học trò, đảm bảo sự cân đối giữa thơ và văn xuôi, kiến thức nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Câu hỏi nghị luận số 2 đề cập tới một hiện tượng xã hội có thật, mới mẻ, gây hiệu ứng mạnh về nỗi xúc động và niềm cảm phục với một thiếu niên dũng cảm. Tôi nghĩ đề bài sẽ chạm tới những xúc cảm chân thành của học trò, tránh được cách viết sáo mòn, sách vở" – Cô Trịnh Thu Tuyết Giáo viên dạy Văn trường THPT Chu Văn An
|