Để trái cây Thủ đô không bị lép vế

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là đầu mối giao thương, thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm trái cây từ khắp các tỉnh, TP cũng như nguồn hàng nhập khẩu. Điều này đã tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt đối với trái cây Thủ đô.

Nơi rẻ bèo, chỗ được giá
Ông Nguyễn Văn Du, ở thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) cho biết, niên vụ năm 2020 - 2021, việc tiêu thụ bưởi của gia đình rất khó khăn, giá bán chỉ từ 8.000 - 12.000 đồng/quả. Nhiều hộ trồng bưởi tại xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) và các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Không chỉ với bưởi, nhiều thời điểm trong năm, việc tiêu thụ cam Canh, chuối, nhãn tại một số vùng cũng thường xuyên trong cảnh bí đầu ra.
 Nông dân thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai thu hoạch bưởi Diễn. Ảnh: Ánh Ngọc
Trong khi đó, tại một số địa phương, không ít hộ nông dân thu tiền tỷ từ vườn cây ăn quả. Anh Phùng Văn Hà, ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, gia đình có 4,5ha với hơn 1.600 gốc bưởi Diễn. Niên vụ 2020 - 2021, giá bán tại vườn là 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, thu về hơn 1 tỷ đồng tiền lãi. Hay tại huyện Ba Vì, phát huy lợi thế đồng đất, nhiều hộ dân ở các xã Thuần Mỹ, Chu Minh đầu tư trồng chuối tiêu hồng VietGAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho giá trị kinh tế đạt 500 – 800 triệu đồng/ha.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên, nhiều chuyên gia đánh giá, diện tích cây ăn quả của Hà Nội còn phân tán, chưa hình thành được vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn. Thực tế này gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao cũng như tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Mặt khác, người dân chưa quan tâm tới việc sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, việc phát triển cây ăn quả của Hà Nội đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là cạnh tranh trên thị trường bằng chất lượng.

Nâng chất lượng, kết nối thị trường

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, đến hết năm 2020, toàn TP có 21.800ha cây ăn quả, trong đó có tới 30% diện tích cho năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. TP đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng diện tích cây ăn quả lên 25.000ha, trước mắt, trong năm 2021, sẽ cải tạo hơn 1.000ha cây ăn quả, trồng mới khoảng 500ha theo hướng công nghệ cao. Để đạt mục tiêu và cây ăn quả thật sự là cây trồng chủ lực của Hà Nội, ngành nông nghiệp cần xác định đích đến là chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đối với các hợp tác xã, người nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất từ khâu chăm sóc đến bảo quản và đặc biệt tuân thủ việc áp dụng các quy trình VietGAP, hữu cơ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, song song với hỗ trợ các loại giống đầu dòng, chất lượng cao cho diện tích trồng mới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thay thế các giống cây trồng bị thoái hóa. Đồng thời, TP tập trung đầu tư vào bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch. Bên cạnh việc tích cực kết nối với DN để tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho nông dân, Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp tìm kiếm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu.

Cùng với quy hoạch bài bản vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, các địa phương cần huy động các nguồn lực để hỗ trợ giống chất lượng cao cho nông dân. Mặt khác, tăng cường tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với kênh phân phối hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích), chợ đầu mối nhằm nâng cao giá trị của cây ăn quả, tạo đột phá trên thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân.
"Ngành nông nghiệp đang tiếp tục tham mưu với TP ban hành cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và chế biến sâu; phát triển những vùng cây ăn quả tập trung, cây ăn quả đặc sản giá trị cao." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần