Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất cấp điểm GPLX của Bộ Công an đưa ra trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc cấp điểm cho GPLX được đánh giá là biện pháp mới để quản lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. (Ảnh: Duy Hiếu). |
Biện pháp để quản lý hành chính
Cụ thể, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của GPLX là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng GPLX được cấp 12 điểm/năm.
Nếu trong một năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX. Còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong một năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho GPLX hàng năm.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân; dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc; Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng GPLX trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, về cơ bản, các vấn đề thuộc nội dung của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được quy định theo hướng mang tính nguyên tắc, nhất là về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.
Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Nhiều lỗi phổ biến nằm trong danh sách bị trừ điểm GPLX
Tại Điều 77, Dự thảo lần 2 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an trình Chính phủ và lấy ý kiến rộng rãi vào ngày 1/6/2020 vừa qua, Bộ Công an nêu cụ thể 28 hành vi/nhóm hành vi sẽ bị trừ điểm ở GPLX và 11 hành vi/nhóm hành vi bị tước bằng lái ngay lập tức.
Các hành vi sẽ bị trừ điểm ở GPLX gồm các lỗi liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; lỗi kéo theo hoặc đẩy xe khác, vật khác trái quy định; chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển; lỗi sử dụng điện thoại di động; sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), sử dụng ô (đối với xe mô tô, xe gắn máy)...
Nhiều lỗi phổ biến khác cũng nằm trong danh sách bị trừ điểm trong GPLX như đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông; xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10 km/h đến 35 km/h; xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10 km/h đến 20km/h...
Cách quản lý tiên tiến
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), nhận định khi đi vào thực thi, quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.
Được biết, việc cấp điểm cho GPLX theo năm (12 điểm tương đương 12 tháng) mà Bộ Công an đưa ra sau khi đã tham khảo kinh nghiệm một số nước có hệ số an toàn giao thông cao có sử dụng hệ thống trừ điểm như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Lãnh đạo Cục CSGT đánh giá, đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện. Thay vì chỉ quản lý theo từng hành vi đơn lẻ như hiện nay, cơ quan Nhà nước còn có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của tài xế sau vi phạm. “Ngoài việc quản lý toàn diện, việc này còn tác động giúp tài xế có ý thức hơn, hạn chế tái phạm” - Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.