Đề xuất chính sách hỗ trợ các văn phòng Thừa phát lại

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 văn phòng Thừa phát lại (VP TPL). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động và phát triển, các VP TPL kiến nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc, có chính sách hỗ trợ các đơn vị.

Theo bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nhưng các văn bản pháp luật về TPL vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tất cả các văn bản đang thực hiện về TPL đều đang quy định áp dụng trong thời gian thí điểm, trong khi theo Nghị quyết 107 thì từ 1/1/2016 đã “chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước”. Công tác tuyên truyền về TPL trên địa bàn TP có nhiều cố gắng song sự hiểu biết về lĩnh vực này của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của TPL.

Ông Nguyễn Văn Lạng - Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình cho hay, chế độ tài chính của VP TPL theo quy định của pháp luật được thực hiện theo loại hình công ty hợp danh hoặc DN tư nhân, tuy nhiên, đây là DN đặc thù. Bởi lẽ, thứ nhất, là DN nhưng công việc của VP TPL được giao thực hiện thuộc lĩnh vực hoạt động tư pháp, được Viện KSND thực hiện việc kiểm tra, giám sát trực tiếp theo Luật Viện KSND giống như Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS). Thứ hai, là DN nhưng hoạt động của VP TPL được giao thực hiện không nhằm mục đích lợi nhuận, mà phần lớn do ngân sánh Nhà nước chi trả (thông qua TAND và Cơ quan THADS), hoặc theo mức phí Nhà nước quy định trong lĩnh vực THA. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các “DN” TPL hoạt động và phát triển theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, đề nghị UBND TP xem xét, miễn thuế thu nhập DN cho các văn phòng TPL.

“Ngoài ra, do công việc TPL được giao thực hiện thuộc hoạt động tư pháp, được Viện KSND thực hiện việc kiểm tra, giám sát trực tiếp theo Luật Viện KSND giống như Cơ quan THADS, nên Bộ Tư pháp đã có Thông tư quy định về mẫu; nguyên tắc sử dụng trang phục đối với TPL và Thư ký nghiệp vụ TPL khi hành nghề. Để việc này được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, đề nghị UBND TP thông qua Sở Tư pháp hỗ trợ cho các VP TPL một phần kinh phí may trang phục cho đồng bộ và thống nhất” - ông Lạng đề xuất.

Về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động TPL, bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, đã phối hợp với TAND, Viện KSND, Cục THADS và Công an TP tiến hành kiểm tra, rà soát. Thông qua công tác kiểm tra, đánh giá về tổ chức, hoạt động của các VP TPL, đã kịp thời phát hiện thiếu sót, bất cập để có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, nắm bắt, ghi nhận những phản ánh, góp ý, đề xuất của các VP TPL trong hoạt động đối với những điểm chưa hợp lý, bất cập, khi thực hiện các quy định của pháp luật về TPL để tham mưu cho UBND TP trong việc quản lý và tiếp tục thực hiện việc triển khai chế định TPL trên địa bàn TP. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND TP ban hành Đề án “Thực hiện chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội” và trình Bộ Tư pháp phê duyệt. Trong năm 2017, sẽ triển khai thực hiện đề án này; đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của TPL.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần